Bất động sản lâm nguy, cò đất, sàn môi giới sống lay lắt sau Covid-19

Sàn môi giới ngày càng teo tóp, dân môi giới nháo nhác “đi đâu về đâu”

Mấy tháng qua, ông Công Ánh - một cò nhà đất tự do tại khu vực Hà Đông, Hà Nội thu nhập gần như bằng không. Trang trải, chi tiêu hàng ngày, chi phí xăng xe, điện thoại, tiếp khách đều dùng tiền tích luỹ bấy lâu nay có được. Ông Ánh cũng nói đang cân nhắc việc sẽ phải chuyển nghề gì đó để làm tạm thời.

“Thị trường đang trong thời điểm chưa từng có, bên bán - bên mua đều có tâm lý chờ đợi. Bên bán thì chờ thị trường bớt ảm đạm mới chịu “bung" hàng, bên mua chờ giá rẻ mới mua", ông Ánh ngậm ngùi chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến nay, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động cầm chừng, hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch, phần lớn các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ.

Chuỗi cung ứng rời bỏ Trung Quốc, đại gia Việt vội "thổi giá" thuê đất

Làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc của nhà đầu tư nước ngoài mở ra cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Chính điều này khiến nhiều ông chủ khu công nghiệp tự tin với quyết định tăng giá thuê đất.

Ông Nguyễn Hữu Thành - chủ một doanh nghiệp dệt may có trụ sở nằm tại khu công nghiệp ở Hà Nội than phiền khi giá thuê đất ngày càng leo thang. Trong khi đó, ông Thành cho rằng, giá thuê đất vốn đã rất cao.

Bất động sản lâm nguy, cò đất, sàn môi giới sống lay lắt sau Covid-19 - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Hình minh hoạ.

Theo thống kê của JLL, giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn – lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0-5,0 USD/m2/tháng và đều đã được lấp đầy.

Hà Nội công bố 10 dự án nhà ở người nước ngoài được phép mua

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 10 dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.

Bất động sản lâm nguy, cò đất, sàn môi giới sống lay lắt sau Covid-19 - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Sở Xây dựng Hà Nội công bố danh sách 10 dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.

Quận Nam Từ Liêm có 3 dự án: Tòa nhà HH2-1A của công trình chung cư HH2-1 thuộc dự án Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại dịch vụ Golden Palace A (phường Mễ Trì, phường Phú Đô) do Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh làm chủ đầu tư; Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và văn phòng làm việc Dolphin Plaza (phường Mỹ Đình 2) do Công ty cổ phần TID làm chủ đầu tư; Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower (phường Mễ Trì) do Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.

Quận Thanh Xuân có 1 dự án là công trình hỗn hợp dịch vụ, văn phòng và nhà ở (số 25 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính) do Công ty cổ phần Dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội làm chủ đầu tư.

Thiếu nhà ở xã hội, ế nhà tái định cư

Do không có người về ở nên nhiều khu tái định cư bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, một nghịch cảnh là hàng trăm nghìn người vẫn đang khát khao chỗ ở, thậm chí nhiều hộ thuộc diện tái định cư vẫn đang loay hoay với bài toán an cư thì có những dự án nhà tái định cư xây xong rồi… để đấy.

Những bất cập xung quanh câu chuyện nhà tái định cư đã được chỉ ra rất nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Việc xây dựng quá nhiều căn hộ nhưng không thể tái định cư được có nhiều nguyên nhân. Trong đó xuất phát điểm từ việc người dân không chấp nhận tái định cư, bởi chung cư ở quá xa, hạ tầng kết nối chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, việc nhiều lần bán đấu giá không thành công những căn hộ tái định cư trên là do chính sách chưa hợp lý.

Bất động sản lâm nguy, cò đất, sàn môi giới sống lay lắt sau Covid-19 - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Khu nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Ngọc Tiến

Việc TPHCM mang hàng nghìn căn tái định cư ra đấu giá sẽ giúp tăng thêm một lượng lớn nguồn cung căn hộ, song cái khó hiện nay của nhiều doanh nghiệp là lượng căn hộ mang ra đấu giá quá lớn, sẽ không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tài chính tham gia mặc dù rất quan tâm. 

Hà Nội kiểm tra việc quản lý đất tại 4 quận, huyện

Theo quyết định, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các sở, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra của Sở TN&MT, chỉ đạo của UBND TP xử lý sau thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý nhà nước với việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND quận, huyện và UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn.

Nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra kết quả thực hiện việc xử lý, khắc phục các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công đối với UBND các quận, huyện và UBND các phường, xã, thị trấn các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn theo kết luận thanh tra và chỉ đạo xử lý sau thanh tra của UBND thành phố.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)