Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt giải pháp “cứu" thị trường bất động sản

Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt giải pháp “cứu thị trường bất động sản - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ Xây dựng đề xuất giảm 50% thuế VAT cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, có diện tích căn hộ dưới 70m2, có giá bán không quá 1,5 tỷ đồng/căn

Cần thực hiện ngay các giải pháp hỗ trợ thị trường

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, nếu kịch bản Việt Nam kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và bắt đầu trạng thái bình thường vào quý 3/2020 thì có 5 yếu tố cơ bản có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản.

Cụ thể là các yếu tố: Kinh tế vĩ mô; các thị trường đầu tư khác; nguồn cung các loại sản phẩm bất động sản so với nhu cầu; chính sách tài chính, tín dụng; sự can thiệp của nhà nước vào thị trường.

"Hiện nay thị trường bất động sản chưa ở trạng thái trầm lắng, đóng băng toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê hoặc có thể xảy ra tình trạng tăng giá đất nền cục bộ tại một số dự án của chủ đầu tư uy tín và tại một số khu vực có khả năng phát triển kinh tế, du lịch, thuận tiện về điều kiện hạ tầng do nguồn cung thiếu, nhu cầu lại cao", lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định.

Do vậy, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nếu xét trong giai đoạn ngắn hạn, cần thực hiện ngay một số giải pháp để khắc phục một số khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là đối với các sản phẩm đang thiếu mà nhu cầu cao.

Xét trong dài hạn, để thị trường bất động sản phát triển ổn định trở lại theo Bộ Xây dựng, cần có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách, về nguồn vốn đầu tư, quy trình thực hiện, đặc biệt cần có chính sách ưu tiên, vượt trội để thúc đầy phát triển mạnh mẽ đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

Cụ thể, về giải pháp cấp bách trước mắt, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị 4 ngân hàng thương mại đã được Chính phủ cấp bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội triển khai ngay việc cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho người nhà ở xã hội vay.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sẽ xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang có thể đầu tư ngay trong năm 2020 để thực hiện cho vay nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.

Giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội, giảm 50% thuế VAT cho dự án nhà thương mại giá thấp

Bộ Xây dựng cũng cho biết sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội từ 4,8% xuống bằng 50% lãi suất bình quân mà các ngân hàng thương mại đang cho vay (vào khoảng 4%) do các ngân hàng này đã giảm lãi suất cho vay vừa qua trước ảnh hưởng của Covid-19.

Bộ này cũng đề nghị cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất đến hết năm 2020 đối với các chủ đầu tư có dự án bất động sản đang triển khai thực hiện mà đến hạn phải nộp tiền sử dụng đất hoặc đang làm thủ tục tính tiền sử dụng đất nhưng có khó khăn về tài chính.

"Hiện nay, Chính phủ mới cho phép giãn nộp tiền thuê đất, chưa cho phép giãn, chậm nộp tiền sử dụng đất", Bộ Xây dựng cho biết.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất việc giảm 50% thuế VAT cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, có diện tích căn hộ dưới 70m2, có giá bán không quá 1,5 tỷ đồng/căn, thực hiện miễn lệ phí trước bạ cho tất cả các giao dịch bất động sản được thực hiện trong năm 2020.

Đồng thời khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ vay đến hạn phải trả của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đến hết năm 2020, đối với người vay mua nhà ở thương mại thì cho phép giãn tiến độ trả nợ vay, trả nợ gốc đến hết năm 2020.

Về thể chế, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đề nghị thực hiện một số giải pháp: Thực hiện miễn giấy phép xây dựng cho các trường hợp thuộc diện phải xin cấp phép xây dựng để triển khai dự án trong năm 2020.

Đồng thời nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (đã bao gồm VAT).

Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản đang thực hiện nhưng bị tạm dừng và xử lý dứt điểm ngay trong quý 4/2020 để sớm triển khai thực hiện lại dự án, bảo đảm kịp thời có nguồn cung hàng hóa cho thị trường.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay ước tính cả nước đã và đang triển khai thực hiện khoảng 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4,5 triệu tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cho biết, từ cuối năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản có biểu hiện chững lại ở một số phân khúc do mất cân đối cung cầu và điều kiện tín dụng. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và thương mại giá thấp.

Do tác động của đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm trong quý 1/2020 giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm. Tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng kinh doanh tăng cao, số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm 80%, số còn lại khoảng 200 sàn hoạt động cầm chừng.

Nguyễn Mạnh