Chạy đua với đô thị sân bay Long Thành
Trong Đồ án Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định lấy Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) làm trung tâm động lực mới cho phát triển đột phá, phấn đấu đưa Đồng Nai trở thành đầu mối lớn về giao thông và logistics; khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế hàng không; thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo sớm trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại vào năm 2030.
Trung tâm trung chuyển khu vực
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi giao thương với các tỉnh, thành của cả nước. Đặc biệt, dự án sân bay Long Thành mở cửa bầu trời để nơi đây trở thành trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối Đồng Nai với các nước trên thế giới.
"Tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ như lập quy hoạch vùng sân bay Long Thành, xây dựng hệ thống giao thông kết nối; quy hoạch hệ thống logistics khu vực vùng sân bay nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" - ông Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, thông tin các khu chức năng quy hoạch vùng sân bay Long Thành dự kiến được bố trí theo mô hình vệ tinh và xen cài trong hành lang kết nối với lõi trung tâm sân bay như các khu trung chuyển; khu logistics; khu đô thị thông minh, thành phố sân bay; khu chức năng dịch vụ - thương mại quy mô lớn; khu thương mại tự do; khu du lịch; vui chơi giải trí, công viên; dịch vụ hỗ trợ hàng không; phát triển vùng đệm không gian xanh.
Tỉnh thúc đẩy hoàn chỉnh đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay với những khu vực nội tỉnh và vùng kinh tế Đông Nam Bộ theo các tuyến cao tốc, đường Vành đai 3 và 4 - TP HCM. Hệ thống giao thông đường sắt kết nối sân bay Long Thành được quy hoạch 3 tuyến gồm: Tuyến đường sắt Bắc - Nam, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Hệ thống cảng biển trên địa bàn đã được quy hoạch, đã và đang được đầu tư xây dựng phục vụ cho tàu trọng tải 30.000 DWT đến 60.000 DWT cập bến như cảng biển Gò Dầu, Phú Hữu, Phước Khánh, Phước An.
Ngoài ra, để tận dụng lợi thế sân bay Long Thành và các tuyến cáp quang biển quốc tế, tỉnh hình thành khu công nghệ thông tin tập trung nhằm thu hút đầu tư các trung tâm dữ liệu hiện đại, luân chuyển dòng chảy dữ liệu quốc tế. Tỉnh đang thúc đẩy việc hình thành một trung tâm logistics tại khu vực Tân Hiệp, Bàu Cạn.
Trung tâm dịch vụ hàng không lớn
Về giải pháp thực hiện các kế hoạch nêu trên, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho hay tỉnh tập trung nguồn lực nhà nước để đầu tư, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng và hạ tầng xã hội. Kết hợp hiệu quả nguồn vốn trung ương và địa phương, có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động vốn tư nhân và nguồn vốn hợp pháp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Tiếp đó, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh. Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, trong đó nâng cao tính sẵn sàng trong đón tiếp, thực hiện thủ tục, phê duyệt dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, tăng cường việc thông tin, dự báo cung - cầu lao động. Cụ thể, tập trung nâng cao nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong lĩnh vực trọng yếu đạt trình độ quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài…, xây dựng tổ hợp giáo dục - đào tạo tỉnh Đồng Nai gắn với khu đô thị sân bay Long Thành, tận dụng khả năng kết nối các khu công nghiệp nhằm đón đầu nhu cầu về nguồn lao động.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai kỳ vọng đô thị sân bay Long Thành sẽ tạo động lực thúc đẩy giá trị bất động sản xung quanh sân bay tăng nhanh và tăng cao. Hiện quanh khu vực sân bay có các dự án đô thị có tiềm năng phát triển như: Khu phức hợp đô thị dịch vụ Long Thành 1.800 ha, Trung tâm Thương mại - Dịch vụ khu dân cư Long Đức 77 ha, khu đô thị Lộc An - Bình Sơn 1.000 ha, đô thị mới Nhơn Trạch.
Theo Sở Xây dựng, Long Thành sẽ là một trung tâm dịch vụ hàng không lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không. Để đón đầu, Đồng Nai đã quy hoạch phát triển 12 khu công nghiệp thuộc huyện Long Thành như Gò Dầu 184 ha, Long Thành 488 ha, Khu Công nghệ cao Long Thành 500 ha…
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng sân bay Long Thành sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề chiến lược ở tầm quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và giúp Đồng Nai có bước chuyển mạnh mẽ. Đồng thời, sân bay Long Thành còn mang sứ mệnh kết nối vùng và kết nối Việt Nam với thế giới.
Thời gian tới, Đồng Nai cần tập trung 3 lĩnh vực trọng tâm; trong đó có phát triển hạ tầng giao thông kết nối, gắn với phát triển công nghiệp và đô thị.
Cần 2 tỉ USD đầu tư hạ tầng kết nối
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, để kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ với sân bay Long Thành, tỉnh cần khoảng 2 tỉ USD. Hiện nay, tỉnh đang tích cực tìm nguồn vốn vay để thực hiện phát triển hạ tầng giao thông kết nối. Tỉnh sẽ sớm công bố 100 dự án về phát triển dịch vụ cho sân bay Long Thành nhằm thu hút các dự án đầu tư để đồng bộ hạ tầng dịch vụ, du lịch khi sân bay đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ ra 5 thách thức mà tỉnh sẽ phải đối mặt khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động gồm: Nhân lực lao động chất lượng cao cho sân bay và nền kinh tế sân bay; hoàn thiện và kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị sân bay; phát triển các sản phẩm dịch vụ cho hoạt động bay; xử lý và kiểm soát vấn đề môi trường; an ninh kinh tế, phòng chống tội phạm công nghệ cao.