Đánh thuế bất động sản thứ 2 để làm giảm giá "ảo", bớt "ngáo" giá
Thời gian qua khi thị trường bất động sản có hiện tượng "sốt" giá, "ngáo" giá thì nhiều bộ, ngành và các chuyên gia đã đề xuất không ít biện pháp kiểm soát thị trường. Trong đó đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2, bỏ hoang để chống đầu cơ, tạo giá ảo.
Theo các chuyên gia, việc đề xuất đánh thuế đối với bất động sản thứ 2, nhà đất bỏ hoang đã được đưa ra nhiều lần trong 15 năm qua. Tuy nhiên, các đề xuất này đều vấp phải phản ứng trái chiều từ dư luận ngay khi công bố nên đến nay vẫn đang "nằm trên giấy".
Đánh thuế bất động sản, giá sẽ tăng hay giảm?
Việc đánh thuế bất động sản vẫn đang là chủ đề chính gây nhiều tranh cãi, khi có ý kiến cho rằng, đây là biện pháp nhằm kiểm soát giá nhà, trong khi số khác lại nhận định rằng động thái này chỉ mang lại lợi ích cho ngân sách địa phương chứ không giúp hạ nhiệt thị trường.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đánh thuế bất động sản chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp cho thị trường phát triển minh bạch và bền vững.
Theo ông Thịnh, việc đánh thuế bất động sản không tác động trực tiếp lên các yếu tố cốt lõi như cung và cầu. Ở những khu vực đô thị có mật độ dân cư đông đúc, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung hạn chế, giá nhà sẽ không giảm dù thuế tăng. Người mua nhà tại các khu vực này vẫn sẵn sàng chấp nhận trả giá cao vì nhu cầu nhà ở luôn lớn. Điều này chứng tỏ rằng việc điều chỉnh thuế có thể không phải là biện pháp hữu hiệu để làm giảm giá nhà, ít nhất là trong ngắn hạn.
Chính vì vậy, ông Thịnh cho rằng dù có đánh thuế cao hay thấp thì giá nhà vẫn sẽ tăng vì cơ bản nguồn cung đang không đáp ứng được nguồn cầu.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, việc đánh thuế bất động sản không làm giảm giá nhà đất, mà ngược lại sẽ làm giá tăng lên.
Dẫn chứng điều này, ông Đính lấy ví dụ về mặt hàng sản phẩm trong siêu thị, việc đánh thuế lên hàng hóa và dịch vụ sẽ làm cho giá sản phẩm đó tăng mà không bao giờ giảm xuống. Người tiêu dùng bắt buộc phải "móc ví" nhiều hơn để sở hữu được sản phẩm đó. Tương tự, nếu chính sách này áp dụng cho bất động sản sẽ dẫn đến hiện tượng thuế chồng thuế.
Theo ông Đính, hiện người mua nhà đất phải đóng tiền sử dụng một lần. Nếu đánh thuế nhà, đất hàng năm nhưng vẫn thu tiền sử dụng đất một lần sẽ khiến người dân thêm gánh nặng.
Chính từ những điều này, ngoài việc giá nhà bất động sản tăng thì ông Đính còn lo ngại sẽ ảnh hưởng nhiều đến tính thanh khoản và sự phục hồi của thị trường.
Trái với quan điểm trên, trong cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản nói, tác nhân chính gây ra giá nhà tăng chót vót không chỉ đến từ lệch cung - cầu mà là do giới đầu cơ tạo giá ảo khiến giá bất động sản không đúng thực tế.
Theo ông Dũng, việc áp đánh thuế bất động sản sẽ giúp ngăn chặn đầu cơ, nhằm kiểm soát thị trường và ngăn ngừa tình trạng “bong bóng”.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, giá đất có xu hướng tăng và khó có khả năng giảm. Tuy nhiên việc đánh thuế có thể làm giảm giá ảo, chứ không phải giảm toàn bộ giá đất.
Việc đánh thuế chống đầu cơ là điều cần thiết trong bối cảnh hiện tại, ông Võ cho rằng áp thuế sẽ giúp giải quyết được phần nào những vấn đề gây bức xúc trên thị trường bất động sản.
Tuy còn nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh vấn đề giá sau khi đánh thuế bất động sản nhưng có 1 điểm chung từ các chuyên gia là cần phải xem xét và tính toán kỹ, tránh tuyệt đối kiểu giật cục, đột ngột.
Câu hỏi đặt ra là thời điểm nào để áp dụng chính sách đánh thuế bất động sản thứ 2, nhà đất bỏ hoang sẽ phát huy tối đa công dụng; đánh thuế như thế nào để không gây ra sự thiếu công bằng và đặc biệt là không gây cản trở đến sự phục hồi bất động sản?