Điều chỉnh quy hoạch để triển khai loạt dự án trọng điểm
Văn phòng UBND TP.HCM cho biết lãnh đạo UBND TP.HCM vừa có ý kiến chỉ đạo thực hiện điều chỉnh quy hoạch để triển khai các dự án cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, Vành đai 4 cùng một số dự án trọng điểm khác của thành phố.
Cụ thể, lãnh đạo thành phố chấp thuận chủ trương theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải về thực hiện điều chỉnh quy hoạch để triển khai các dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, Vành đai 4 và các dự án trọng điểm khác.
UBND TP.HCM giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương thực hiện công tác lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo quy định. Mục đích sớm triển khai thực hiện các các dự án trọng điểm của thành phố (bao gồm 12 dự án theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải) theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và tại Quyết định số 20/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
TP.HCM thực hiện điều chỉnh quy hoạch để triển khai các dự án cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, Vành đai 4... Ảnh: Gia Linh
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố cũng giao UBND quận 6, quận 7, quận 8, quận Bình Tân, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, TP.Thủ Đức khẩn trương rà soát kiến nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Giao thông Vận tải liên quan các dự án trọng điểm của thành phố.
Các đơn vị chủ động rà soát, ghi vốn và tiến hành các công tác cần thiết để điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu và điều chỉnh tổng thể các quy hoạch xây dựng nông thôn có liên quan. Đảm bảo pháp lý về quy hoạch, có cơ sở triển khai nhanh các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, Vành đai 4 và các dự án trọng điểm khác.
Như Dân Việt đã đưa tin, cầu Thủ Thiêm 4 nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) với quận 7, tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Công trình dự kiến dài hơn khoảng 2,2km, rộng 28m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành, tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80x10m; vận tốc thiết kế 60 km/h. Theo thiết kế ban đầu, điểm đầu cầu nằm tại điểm giao giữa đường Huỳnh Tấn Phát với đường Lưu Trọng Lư, điểm cuối đấu nối vào đường Nguyễn Cơ Thạch.
Trong khi đó, cầu Cần Giờ có quy mô 6 làn xe, gồm 4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp; vận tốc thiết kế 60km/h. Dự án còn được xây dựng hệ thống thoát nước, trang bị hệ thống an toàn giao thông và công trình phụ trợ như hệ thống đèn chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật, hệ thống trạm thu phí, camera quan sát.
Tổng mức đầu tư khoảng 11.087 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 6.303 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật 2.228 tỷ đồng; chi phí lãi vay 518 tỷ đồng…