Một loại hình bất động sản đang liên tục được mở rộng, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước

Sự tăng trưởng của lĩnh vực BĐS bán lẻ cao cấp không chỉ đến từ tăng trưởng thu nhập bình quân cũng như thu nhập khả dụng của người dân, mà còn ở việc dịch chuyển thói quen mua sắm ngày càng cao cấp hóa cùng với sự mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu.

Sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế, cùng với nhu cầu mua sắm và trải nghiệm dịch vụ cao cấp ngày càng tăng, đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực BĐS bán lẻ cao cấp.

Thị trường BĐS bán lẻ cao cấp tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong dài hạn, với giá thuê hằng năm tiếp tục tăng trưởng hai chữ số, bất chấp những thách thức ngắn hạn.

Theo đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy thị trường BĐS bán lẻ cao cấp ở Việt Nam là tăng trưởng kinh tế ổn định và nhanh chóng. Nền kinh tế Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao trong những năm gần đây, ngay cả trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19. Sự phát triển kinh tế đã làm tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và thượng lưu, tạo ra nhu cầu nhu cầu mua sắm tại các cửa hàng thời trang cao cấp, siêu thị hạng sang, và trung tâm thương mại có thương hiệu quốc tế.

Đặc biệt, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, đã có sự thay đổi, ngày càng hướng đến các trải nghiệm mua sắm cao cấp, không chỉ dừng lại ở việc mua sắm hàng hóa mà còn tìm kiếm các dịch vụ và trải nghiệm sống đẳng cấp. Sự thay đổi này tạo ra nhu cầu lớn cho các dự án BĐS bán lẻ cao cấp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.

Nhu cầu tăng cao cùng với cơ sở hạ tầng đô thị và thương mại ngày càng được đầu tư mạnh mẽ cũng giúp Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn đối với nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế. Nhiều thương hiệu cao cấp từ các ngành thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, và thực phẩm cao cấp đã đổ bộ vào Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Sự xuất hiện của những thương hiệu này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam mà còn giúp nâng cao tiêu chuẩn của thị trường bán lẻ. Bởi sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế buộc các nhà bán lẻ trong nước phải cải thiện dịch vụ và chất lượng không gian bán lẻ. Môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS ngày càng được cải thiện với nhiều chính sách thu hút đầu tư cũng như các hỗ trợ về tín dụng và ưu đãi thuế dành cho các dự án phát triển BĐS bán lẻ, đặc biệt là các dự án tập trung vào phân khúc cao cấp, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hàng loạt các trung tâm thương mại cao cấp cũng được phát triển để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng cao của lĩnh vực này. Những trung tâm này không chỉ là nơi mua sắm mà còn trở thành điểm đến giải trí và ẩm thực cao cấp. Sự phát triển của các khu đô thị mới, nơi tập trung dân cư có thu nhập cao, cũng là yếu tố thúc đẩy nhu cầu phát triển BĐS bán lẻ cao cấp. Đặc biệt, tiềm năng tăng trưởng của thị trường BĐS bán lẻ cao cấp còn được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch.

Việt Nam đã trở thành điểm đến phổ biến đối với du khách quốc tế và nội địa, đặc biệt là các du khách có nhu cầu mua sắm và tiêu dùng các sản phẩm cao cấp. Trải nghiệm mua sắm kết hợp du lịch của du khách, nhất là du khách nước ngoài, từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và các nước châu Âu, thường có nhu cầu mua sắm cao khi đến Việt Nam cũng tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ cao cấp mở rộng thị trường. Tuy nhiên, thị trường này cũng đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn.

Theo đó, mặc dù có tốc độ phát triển nhanh, mặt bằng bán lẻ Việt Nam vẫn còn khiêm tốn cả về quy mô, chất lượng và trải nghiệm. Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt là các trung tâm thương mại cao cấp, vẫn còn tương đối khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia,... Đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, mở rộng nguồn cung mặt bằng chất lượng cao, và nâng cao trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng để thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế và cạnh tranh với các quốc gia lân cận.

Nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp tăng trưởng chậm trong khi nhu cầu của các nhãn hàng, thương hiệu quốc tế không ngừng tăng cao khiến mức giá thuê mặt bằng tại các khu vực trung tâm ở TP.HCM và Hà Nội đang ngày càng tăng, tạo ra áp lực lớn cho các nhà bán lẻ cao cấp.

Sự biến động của nền kinh tế thế giới, lạm phát, và chi phí nguyên vật liệu tăng cao có thể ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của các dự án BĐS bán lẻ cao cấp. Cụ thể, lạm phát tăng cao có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ cao cấp.

Đồng thời, chi phí xây dựng và vận hành các trung tâm thương mại cao cấp cũng sẽ gia tăng, tạo áp lực cho các nhà phát triển BĐS. Sự bất ổn của thị trường tài chính quốc tế cũng khiến các nhà đầu tư quốc tế có thể trở nên thận trọng hơn trong việc mở rộng quy mô đầu tư vào phân khúc cao cấp.