Nhiều dấu hỏi sau phiên đấu giá kỷ lục
Phiên đấu giá diễn ra ngày 18/10, tại Hội trường UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam . Công ty đấu giá Hợp danh Hòa Thuận, đơn vị được Phòng TN&MT thị xã Điện Bàn thuê thực hiện đấu giá, đã tổ chức cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản điểm mỏ ĐB2B. Cuộc đấu giá kết thúc vào lúc 4h10 ngày 19/10, trải qua 200 vòng đấu.
Đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần MT Quảng Đà với giá trúng đấu giá là 1.534,6%R, tương đương với tiền trúng đấu giá tạm tính theo trữ lượng dự tính 159.000m3 là hơn 370,5 tỷ đồng (tăng so với giá khởi điểm là 369,3 tỷ đồng).
Theo Sở TN&MT Quảng Nam, khu vực khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường ĐB2B với diện tích 6,04 ha, tài nguyên dự kiến 159.000m3 cát, giá khởi điểm R = 5%. Khu vực này chưa thăm dò khoáng sản nên giá khởi điểm phiên đấu giá được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R) quy định tại Phụ lục I Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ.
Nhận thấy cuộc đấu giá kéo dài và mức trúng đấu giá cao bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã yêu cầu tạm dừng công nhận kết quả đấu giá, đồng thời yêu cầu ngành chức năng và công an vào cuộc làm rõ động cơ, mục đích việc trả giá cao bất thường tại phiên đấu giá.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần MT Quảng Đà (địa chỉ tại số 461-463 Nguyễn Hữu Thọ, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), thành lập ngày 11/5/2022, đăng ký 41 mã ngành nghề kinh doanh, trong đó, ngành chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Tháng 2/2023, công ty này bổ sung loạt ngành nghề, bao gồm khai thác đá, cát, sỏi. Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần MT Quảng Đà là ông Nguyễn Sỹ Minh Tiến (SN 2000, quê ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn), cổ đông lớn nhất với vốn góp 68%. Các cổ đông còn lại, gồm Võ Thị Hồng Nhung sở hữu 30% và ông Lê Nguyễn Đồng Quân giữ 2%.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, theo kết quả phiên đấu giá, với mức trúng đấu giá tiền cấp quyền khai thác là 370 tỷ đồng, chưa kể các khoản thuế, phí..., thì doanh nghiệp phải bán ra với giá hơn 2,3 triệu đồng/m3 cát mới có lãi.
“Nếu doanh nghiệp muốn đấu đến cùng để khai thác và bán thì hết sức phi lý. Bởi hiện nay mức giá cát theo UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là 150.000 đồng/m3, giá thực tế đến chân công trình chỉ khoảng 250.000 đồng/m3. Mỏ cát doanh nghiệp trúng đấu giá 370 tỷ trong khi trữ lượng công bố 159.000 m3, tính ra mỗi khối cát lên tới 2,3 triệu đồng chưa tính các khoản thuế, phí thì doanh nghiệp bán ra kiểu gì?” - một lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, liên quan đến kết quả phiên đấu giá trên, địa phương đã thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tạm thời chưa công nhận kết quả phiên đấu giá. Hiện công an vào cuộc làm rõ.
“Hiện Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công an vào cuộc làm rõ. Thị xã Điện Bàn chưa công nhận. Các trình tự thủ tục thì doanh nghiệp vẫn đảm bảo quy trình, rà soát không có gì sai, đây thuộc về lỗi vĩ mô, về quy định trong luật, sắp tới cần kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp”, ông Úc nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Thượng tá Hà Thế Xuyên - Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Quảng Nam), cho biết, liên quan vụ đấu giá điểm mỏ cát 370 tỷ đồng, đơn vị đã làm việc với doanh nghiệp , thu thập hồ sơ.
“Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo yêu cầu làm rõ vụ đấu giá này, làm rõ động cơ, mục đích việc trả giá cao bất thường, tuy nhiên, chưa thể khẳng định được doanh nghiệp đấu mức đó để “phá”. Có thể họ đấu giá làm thực sự bởi vì mỏ này còn phải rà soát đánh giá lại trữ lượng, chưa biết còn cát bao nhiêu. Về vấn đề năng lực tài chính, doanh nghiệp này không đủ tài chính” -Thượng tá Xuyên nói.