3 đến 5 thành viên sẽ đứng tên đồng chủ sở hữu tài khoản quỹ bảo trì
Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo Thông tư về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó đề xuất tiền gửi kinh phí bảo trì của nhà chung cư tại các ngân hàng sẽ có từ 3 đến 5 thành viên đứng tên đồng chủ tài khoản.
Cụ thể, trong số các thành viên đứng đồng tài khoản, có ít nhất một đại diện của chủ sở hữu khu căn hộ, một đại diện chủ sở hữu diện tích khác (diện tích thương mại, công trình công cộng...), một đại diện chủ đầu tư và một số thành viên khác do hội nghị nhà chung cư quyết định. Với hình thức này, mỗi biến động liên quan đến tài khoản đồng sở hữu sẽ được thông báo cho tất cả những người còn lại để đảm bảo tính an toàn và tránh những rủi ro. Đề xuất trên là một trong những biện pháp để hạn chế tình trạng chiếm dụng quỹ bảo trì của trưởng ban quản trị như tình trạng xảy ra tại một số chung cư tại Hà Nội, TP HCM thời gian gần đây.
Cũng theo dự thảo, kỳ hạn gửi tiền và việc đứng tên đồng chủ tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì được quy định trong quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị nhà chung cư, do hội nghị nhà chung cư thông qua.
Dự thảo cũng quy định thù lao của thành viên ban quản trị nhà chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp. Hội nghị nhà chung cư có thể tham khảo mức lương tối thiểu vùng theo quy định của nhà nước để xem xét, quyết định về mức thù lao, trừ trường hợp thành viên ban quản trị từ chối nhận thù lao.
Dự thảo quy định tòa nhà một khối thì tối thiểu có 3 thành viên ban quản trị. Tòa nhà có nhiều khối nhà chung đế thì mỗi khối có tối thiểu một thành viên. Cụm nhà chung cư thì tối thiểu có 6 thành viên. Ban quản trị gồm một trưởng ban, một số phó ban và các thành viên khác do hội nghị nhà chung cư quyết định.
Trong dự thảo lần này, Bộ Xây dựng cũng đưa ra nhiều đề xuất mới như hội nghị nhà chung cư lần đầu phải được tổ chức trong 12 tháng kể từ ngày đưa vào sử dụng, có tối thiểu 50% căn hộ đã được bàn giao. Quy định hiện hành là phải có trên 75% số căn hộ được bàn giao tham dự.
Dự thảo cũng cho phép lấy ý kiến cư dân bằng văn bản nhưng phải có chữ ký của người được lấy ý kiến. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến người không tham dự hội nghị nhà chung cư. Trong 7 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo quy định mà không đủ 50% đại diện chủ nhà họp hoặc cho ý kiến bằng văn bản thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu đề nghị UBND phường tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đề xuất việc công nhận Ban quản trị nhà chung cư có thể do cấp phường ra quyết định nếu được UBND cấp quận ủy quyền. Đây là điểm mới so với quy định hiện hành là chỉ UBND cấp quận, huyện mới được công nhận ban quản trị nhà chung cư...
Nguyễn Hà