50 quỹ đầu tư 'khủng' kỳ vọng chứng khoán Việt Nam nâng hạng
Tại Singapore, chiều 7.8, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp hội Các thị trường tài chính và ngành chứng khoán châu Á (ASIFMA) tổ chức diễn đàn đầu tư "Từ chính sách đến thực tiễn hướng tới nâng hạng thị trường vốn Việt Nam lên thị trường mới nổi".
Góp mặt tại diễn đàn có đại diện của 50 ngân hàng, quỹ đầu tư quốc tế, nhà đầu tư lớn nước ngoài như: Black Rock, Morgan Stanley, JP Morgan chase, ING, UBS, Citadel, Bank of America, Merry Lynch, EFG Hermes Frontier, Black Rock, BNY Mellon...
Đánh giá cao tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam trước khi nâng hạng, đại diện các đơn vị bày tỏ kỳ vọng tích cực vào khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới.
Bà Katia Daude Goncalves, Giám đốc quốc gia của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) phụ trách Singapore, Malaysia và Brunei Darrussalam, đánh giá Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ trong vòng 10 năm qua và là một trong những nền kinh tế mở, tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tích cực với những lực đẩy như việc cải thiện cơ sở hạ tầng, sự tái định vị về chuỗi giá trị toàn cầu và sự đa dạng hóa thương mại.
Bà Katia Daude khẳng định, Việt Nam là một đối tác rất quan trọng, một trong những quốc gia mà IFC đã tham gia hỗ trợ lâu nhất trong khu vực. IFC đã cam kết tài trợ tổng cộng 19 tỉ USD cho Việt Nam.
Thời gian tới, IFC sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực chính tại Việt Nam như: thúc đẩy thị trường tài chính, thị trường vốn phát triển bền vững, đa dạng và toàn diện; thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, cơ sở hạ tầng bền vững...
"Với tư cách là thành viên của WB, chúng tôi cam kết hỗ trợ sự phát triển của thị trường Việt Nam", bà Katia Daude khẳng định.
Ông Lyndon Chao, Giám đốc điều hành Bộ phận Chứng khoán và giao dịch của ASIFMA, đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn khi có tăng trưởng FDI cao, lực lượng lao động tăng trưởng với 56% dân số dưới độ tuổi 35, chỉ số chứng khoán VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm.
Để thu hút thêm vốn toàn cầu vào Việt Nam, đại diện của ASIFMA nhấn mạnh cần bảo đảm nâng hạng thị trường chứng khoán từ phân hạng quốc gia thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, do chính sách của nhiều công ty quản lý quỹ là không đầu tư vào thị trường cận biên.
Ông Lyndon Chao cũng khẳng định, nhóm công tác của ASIFMA sẵn sàng phối hợp với Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) trong hoàn thiện các chính sách, quy trình liên quan phục vụ việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Vũ Thị Chân Phương, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam.
Về giải pháp chính sách nhằm hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán , bà Phương thông tin, hiện nay, ủy ban đã hoàn tất dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin.
Dự thảo đã đăng tải công khai sau khi hoàn thiện, tiếp thu ý kiến góp ý rộng rãi các tổ chức, cá nhân trên thị trường. Hiện tại, dự thảo vẫn tiếp tục hoàn thiện những khâu cuối cùng để trình lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất.
"Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước luôn tiếp thu các ý kiến của thị trường, các đóng góp của các nhà đầu tư quốc tế để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng được mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài .
Mỗi giai đoạn, bối cảnh cảnh kinh tế đều tác động đến quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách trên thị trường vốn nhưng chúng tôi luôn hướng tới đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định của thị trường chứng khoán lâu dài", bà Phương nhấn mạnh.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.