6 năm nữa, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM sẽ là thành phố thông minh?
Chia sẻ tại phiên Hội thảo về Thành phố thông minh (Smart City) trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều 2/10, đại diện Bộ Xây dựng đã công bố về kế hoạch xây dựng các thành phố thông minh của Việt Nam.
Ông Sinh cho biết, hiện cả nước có 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa 38,6%. Tăng trưởng kinh tế tại các đô thị đạt khoảng 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần tăng trưởng trung bình của cả nước.
Trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, Việt Nam đặt mục tiêu là vào năm 2025, có ít nhất 3 đô thị thông minh tại cả 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam.
Đáng nói, ông Sinh khẳng định: Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải hình thành chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, hiện có 30 địa phương đã phê duyệt và triển khai các dự án, đề án phát triển đô thị thông minh (trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ...).
Tuy nhiên, ông này cho rằng: Cần nghiên cứu kỹ đặc thù của từng địa phương để đưa ra những chiến lược hợp lý, tránh việc đầu tư dàn trải, làm theo phong trào.
Ông Hưng nói, vấn đề quan trọng của xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam là cần quán triệt nguyên tắc xây dựng hạ tầng nền tảng dùng chung, dữ liệu được chia sẻ tập trung, giám sát điều hành tập trung để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, phải gắn kết, không được tách rời việc xây dựng đô thị thông minh với phát triển chính quyền điện tử.
“Cần coi chính quyền điện tử là nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.
“Người dân phải được cung cấp các ứng dụng để giao tiếp với chính quyền và mọi ý kiến phản ánh của người dân phải được giải đáp nhanh và thỏa đáng”, ông Hưng nói.
Ông Hưng nhấn mạnh: “Một đô thị không thể thông minh nếu thiếu người lãnh đạo có tầm nhìn, nếu thiếu nguồn nhân lực có đủ trình độ để hoạch định, xây dựng, quản lý và vận hành đô thị đó”.
Cũng tại Hội nghị, khá nhiều chuyên gia, học giả quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... đã chia sẻ về kinh nghiệm, bài học phát triển đô thị thông minh sau nhiều năm thực hiện. Vấn đề chính được các chuyên gia đề cập đến chính là hạ tầng cứng và mềm, khả năng thích ứng của người dân, lãnh đạo.
Bên cạnh đó, đô thị thông minh phải đi liền với phát triển bền vững, môi trường sinh thái trong lành và có dư địa về không gian, đất đai, cảnh quan để lại không gian sáng tạo cho thế hệ mai sau và thể hiện tổng quan kiến trúc dân tốc - hiện đại đi liền với giữ gìn các đặc sản văn hóa của dân tộc và mỗi vùng đất.
Nguyễn Tuyền