Áp thuế tiêu thụ đặc biệt tác động tới ngành rượu, bia, nước giải khát như thế nào?

Thuế tiêu thụ đặc biệt tác động tới nguồn thu ngân sách

Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo lộ trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai luật này tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua tại Kỳ họp thứ chín (tháng 5 - 2024).

Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu.

Qua đó, Luật sửa đổi để dễ thực hiện luật nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách Nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.

Cùng với đó, đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật; góp phần cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.

Ngoài ra, Luật giúp khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế TTĐB thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế TTĐB và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan; bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung những quy định tại luật để phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Góp ý về các chính sách thuế TTĐB, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học Viện Tài chính cho biết: "Hiện nay, có nhiều mặt hàng đang chịu TTĐB như: Thuốc lá điếu và xì-gà, rượu, bia, ô tô, xăng - chế phẩm chế tạo xăng, iều hòa nhiệt độ 90.000 BTU trở xuống, bài lá, máy bay, du thuyền. Cùng với đó là các loại kinh doanh dịch vụ Karaoke, kinh doanh golf, kinh doanh xổ số, kinh doanh quán Bar - vũ trường, casino".

Về tác động của thu thuế TTĐB, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng: "Thuế TTĐB tác động lớn tới nền kinh tế - xã hội, thu ngân sách Nhà nước, thu nhập người lao động".

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường đề xuất các giải pháp sửa đổi thuế TTĐB theo dự thảo Luật thuế TTĐB với các nội dung: Một là, mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt các hàng hóa dịch vụ như nước giải khát có đường, sản phẩm thuốc lá mới.

Hai là, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế và phương pháp tính thuế. Ba là, quy định về biểu thuế, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (bổ sung), trong đó có việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu, bia.

Bốn là, mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm là, quy định nội dung của một số điều luật, đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và các luật chuyên ngành có liên quan.

Thuế tiêu thụ đặc biệt khiến doanh thu doanh nghiệp giảm

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng, Uỷ viên BCH Hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam cho biết, thuế TTĐB tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội làm nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Nguy cơ tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nước giải khát và tác động đáng kể đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Phụng nêu ra vấn đề, nếu sản lượng nước giải khát giảm 20% như Báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo thì thu ngân sách từ thuế GTGT sẽ giảm tương ứng. Thuế GTGT đối với mặt hàng đường đang được đề xuất tăng từ 5% lên 10% sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát.

Ngoài ra, doanh thu giảm trong khi chi phí đầu vào tăng sẽ khiến cho thu nhập của doanh nghiệp giảm và kéo theo thuế TNDN sẽ giảm tương ứng. Vì vậy, cần đánh giá những tác động về thu ngân sách khi sản lượng nước ngọt giảm và thu từ thuế GTGT và TNDN giảm tương ứng.

Ông Phụng cho rằng, cần cân nhắc những tác động lan tỏa đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát (bán lẻ, bao bì, mía đường, …). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sẽ chịu tác động đáng kể hơn các doanh nghiệp lớn do khả năng tài chính hạn chế.  

Báo cáo Nghiên cứu về tác động kinh tế, xã hội của thuế TTĐB đối với nước giải khát do Viện quản lý kinh tế trung ương thực hiện năm 2018 và cập nhật năm 2021: nếu áp dụng thuế TTBĐ ở mức 10% đối với nước giải khát có đường thì nền kinh tế thiệt hại 880,4 tỷ VND, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất giảm, dao động giảm 0,092% và thặng dư sản xuất giảm 0,083%. Sản lượng mía đường giảm 28,8 nghìn tấn, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân trồng mía đường.

Trong khi đó, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đề nghị không áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường vì hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khoẻ là không rõ ràng trong khi gây ra các tác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế.

Theo bà Vân Anh, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường và có thể có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB.

Điều này, khiến mục tiêu chính sách không đạt được trong khi ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.