Apec Capital đầu tư 1 triệu USD cho ý tưởng khởi nghiệp “Uber ngành khách sạn”
Mới đây quỹ đầu tư khởi nghiệp Apec Capital đã ra thông báo chính thức đầu tư gần 1 triệu USD (20 tỷ VNĐ) cho dự án “Mandala Inn” – ý tưởng xuất sắc nhất từ học viện ươm mầm khởi nghiệp Apec Academy. Nguồn vốn này sẽ được đầu tư vào Mandala Inn dưới dạng vốn góp nhằm xây dựng một chuỗi khách sạn nhượng quyền công nghệ với tham vọng mở rộng ra 600 cơ sở lưu trú trên toàn Việt Nam trong một năm tới.
Khởi nguồn từ vườn ươm khởi nghiệp Apec Academy, Mandala Inn là chuỗi nhượng quyền khách sạn mô hình hoàn toàn mới với mục tiêu xây dựng nên một hệ thống công nghệ hoàn chỉnh từ quản lý khách sạn, lưu trữ kho phòng đến đặt phòng trực tuyến. Đồng thời Mandala Inn cam kết thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ marketing, chiến dịch truyền thông thương hiệu, bán phòng trực tuyến cho các khách sạn tham gia vào chuỗi với hình thức chia sẻ doanh thu.
Hiện nay tại Việt Nam có hơn 30.000 cơ sở lưu trú 2, 3 sao với tổng số phòng lên đến gần 600.000 phòng. Tuy nhiên các cơ sở này chưa đồng đều về chất lượng lưu trú, năng lực kém, cơ sở vật chất, quy trình nghiệp vụ khách sạn chưa đảm bảo. Từ đó Mandala Inn ra đời với ý tưởng sẽ xây dựng một chuỗi nhượng quyền khách sạn với các cam kết về tiêu chuẩn chung đảm bảo cho toàn chuỗi. Ví dụ với những tiêu chí ban đầu, Mandala Inn tập trung vào nâng tiêu chuẩn lưu trú, đảm bảo chăn gối, khăn trải giường, khăn tắm sạch, kết nối mạng nhanh và nước uống miễn phí cho mỗi phòng. Được biết mô hình chuỗi nhượng quyền khách sạn công nghệ đang mở rộng quy mô rất nhanh ở Ấn Độ, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á với sự lớn mạnh của hai start up kì lân là RedDoorz và OYO.
“Sản phẩm như Mandala Inn giống như “ Uber ngành khách sạn” với tiềm năng khai thác một thị trường vô cùng hấp dẫn chưa được quan tâm tới, hiện đang là một hệ thống các nhà nghỉ 2 sao, 3 sao giá rẻ tiêu chuẩn thấp, phân mảnh, giường tầng, cơ sở vật chất kém. Chắc chắn Mandala Inn sẽ thành công với mục tiêu cung cấp dịch vụ chất lượng phù hợp với giá cả phải chăng", Nguyễn Đỗ Lăng – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Apec – chủ tịch học viện Apec Academy chia sẻ.
Về quỹ Apec Capital, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Apec Capital có trị giá 20 triệu đô chuyên tập trung tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nhóm Start-ups trong nhiều lĩnh vực Fintech, Edtech, Hospitality, … ở giai đoạn “seed” và “early stage”. Các nhóm này có ý tưởng đột phá, đội ngũ sáng lập (founder) tiềm năng, giàu nhiệt huyết với sản phẩm nhưng thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm và/hoặc định hướng chiến lược để phát triển hoàn thiện sản phẩm. Trong giai đoạn đầu, các nhóm sẽ được tham gia vào học viện khởi nghiệp Apec Academy, được đào tạo và hướng dẫn từ các chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực marketing, tài chính, kinh doanh, được thực hành trong môi trường thực tiễn để áp dụng, đào sâu kiến thức xây dựng sản phẩm. Mục đích của giai đoạn này là giúp các startup trẻ tìm được thế mạnh, xây dựng được triết lý và văn hóa của bản thân, của doanh nghiệp, từ đó có đủ khả năng để triển khai sản phẩm của riêng mình. Sau khi kết thúc 6 tháng đào tạo và thực hành thực tế, Apec Capital sẽ lựa chọn ra các dự án tiềm năng với đội ngũ xuất sắc nhất để xây dựng phát triển sản phẩm theo hình thức góp vốn tối thiểu $50.000/start-up, chiếm 10% cổ phần của doanh nghiệp mới thành lập, tương đương với công ty mới thành lập sẽ được định giá khoảng $500.000. Với mô hình như vậy, học viện Apec Academy và quỹ khởi nghiệp Apec Capital nhắm tới mục tiêu đào tạo 1 triệu doanh nghiệp trẻ và mục tiêu ươm mầm cho các start up tỉ đô trong vòng 10 năm tới tại Việt Nam.
“Mong muốn và khát vọng của những người sáng lập là muốn đào tạo lên một thế hệ doanh nhân trẻ, một cộng đồng start up xuất sắc góp phần phụng sự xã hội và xây dựng đất nước. Để thực hiện sứ mệnh này, không thể chỉ một mình Apec Group mà còn cần sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp khác, quyết liệt và có những bước đi đột phá, cũng vì vậy chúng tôi đặt niềm tin và những start-up trẻ, sáng tạo và nhiệt huyết, cùng chúng tôi thực hiện sứ mệnh này.” ông Phạm Duy Hưng, P.TGĐ Tập đoàn APEC chia sẻ.