Bán tháo "nhà trên giấy"
Trước đây khi thị trường bất động sản nhộn nhịp, nhiều người đua nhau ký hợp đồng mua căn hộ khi mở bán để sang lại hưởng chênh lệch.
Nhưng gần đây thị trường khó khăn, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề, khiến giới đầu tư lướt sóng căn hộ gặp khó khăn về dòng tiền. Một số không đủ khả năng thanh toán tiếp theo tiến độ, cũng không còn hy vọng giá căn hộ tăng để bán lại kiếm lời hoặc cho thuê sau khi nhận nhà nên họ đành phải chấp nhận bán rẻ sản phẩm "nhà trên giấy". Tuy vậy, người mua cũng chưa mặn mà dù người bán đã chịu lỗ từ 50-200 triệu đồng.
Hai năm trước, để tăng thu nhập và tích lũy, vợ chồng anh Huy - quê tỉnh Bến Tre, làm việc cho một ngân hàng và vợ làm quản lý ở một quán cà phê nhỏ tại quận 3, TPHCM - quyết định chọn chủ đầu tư uy tín để đăng ký mua căn hộ với giá gốc khi mở bán, thanh toán theo tiến độ vài kỳ rồi rao bán lại hưởng chênh lệch 100-200 triệu đồng. Được 2 lần như vậy, vợ chồng anh tiếp tục mua thêm 2 căn nữa với tổng giá trị gần 4,5 tỉ đồng tại một dự án ở quận 7.
Khi thanh toán hơn 35% thì dịch Covid-19 xảy ra, thu nhập giảm nên vợ chồng anh quyết định bán rẻ vì không có tiền đóng tiếp. "Nếu trước đây tôi có thể kiếm một vài trăm triệu đồng/căn khi sang tay hợp đồng thì nay dù chỉ chênh 50 triệu đồng giá gốc mà rao mãi chưa ai mua. Nhờ nhân viên môi giới, họ nói sẽ cố gắng chứ cũng không chắc sẽ bán được trong thời gian này" - anh Huy cho biết.
Trong khi đó, chị Hoàng Thu (nhà ở quận Bình Tân) quyết định bỏ luôn 50 triệu đồng tiền giữ chỗ mua căn hộ của một dự án sắp mở bán ở quận 9 vì thấy khả năng lướt sóng kiếm lãi trong giai đoạn dịch Covid rất khó.
"Tôi nghe mọi người bảo mua được căn hộ dự án ở quận 9 sau này bán rất dễ, lời cao nên cũng bon chen đặt. Nhưng sau Tết nguyên đán tới nay thị trường khó khăn quá, mua bán gì cũng khó nên tôi bỏ luôn số tiền giữ chỗ ở một công ty môi giới" - chị Hoàng Thu nói.
Dạo quanh các dự án căn hộ đang triển khai ở TPHCM, phóng viên ghi nhận khu vực nào cũng có người rao bán lại hợp đồng trả góp chênh lệch rất thấp so với giá gốc của chủ đầu tư, thay vì chênh tới vài trăm triệu đồng như lúc trước.
Thậm chí tại một dự án lớn đang triển khai ở quận 9, TPHCM, trước đây người mua thứ cấp phải trả thêm 200-300 triệu đồng so với giá gốc thì nay rất nhiều người rao bán với giá "không chênh", bao luôn thuế phí chuyển nhượng và hợp đồng vay ngân hàng 55%-70% giá trị căn hộ.
Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Exim Trần Thị Cẩm Tú cho rằng đa số những khách hàng bán lỗ căn hộ đã mua trả góp thường là những người đầu tư lướt sóng. Họ không có nhiều tiền nên khi thị trường khó khăn buộc phải bán vì giữ sẽ không có tiền để đóng tiếp theo tiến độ. Vì vậy, việc những người đầu cơ cắt một phần lợi nhuận để thu hồi dòng tiền là biểu hiện bình thường.
Một ý kiến khác cho rằng hiện nay đa phần những người đầu tư đều muốn cầm tiền mặt để đi mua nhà đất giá mềm hơn hoặc chuyển kênh đầu tư khác an toàn hơn. Vì vậy, thị trường thứ cấp bắt đầu xuất hiện tình trạng xả hàng rải rác ở nhiều dự án. Những người này chấp nhận hạ biên lợi nhuận về mức thấp có thể để dễ bán hơn.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, nhà đầu tư đều muốn kiếm lời. Trước đây, một số người chọn lướt sóng căn hộ trả góp vì cho rằng ít rủi ro, có nhiều hướng ra với nguồn tài chính hạn hẹp. Gặp lúc thị trường khó khăn như hiện nay, chỉ cần bán không được hay phải bán huề vốn thì coi như đã thua lỗ.
Tuy nhiên, ông Khánh dẫn thống kê từ các đơn vị tư vấn bất động sản cho thấy dù dịch bệnh nhưng giá nhà đất thời gian qua không giảm nhiều. Điều này có nghĩa thị trường thứ cấp giảm giá là do người bán đã có lãi hoặc chủ động bán ra thu tiền mặt về, còn thị trường sơ cấp từ chủ đầu tư vẫn không giảm, thậm chí có dự án vẫn tăng giá khi mở bán vì thị trường khan hiếm nguồn cung mới.
"Nếu người mua có sức chịu đựng có thể sẽ không mất tiền khi đầu tư căn hộ thông qua trả góp" - ông Khánh lưu ý thêm.
Theo Sơn Nhung
Người Lao động