Bảng giá đất mới chưa tác động ngay đến thị trường BĐS
Liên quan đến bảng giá đất mới, ngày 23/10, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, bảng giá đất mới đã điều chỉnh giá đất tăng nhẹ hơn so với dự thảo trước đó.
Ví dụ, tại khu vực đường Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ (quận 1), nơi được ví là mảnh đất “kim cương” đắt giá nhất TPHCM đã được định giá giảm khoảng 15,2% so với trước đó. Nếu ở bảng giá đất cũ, giá đất tại đây được định giá lên tới 810 triệu đồng/m2, thì tại bảng giá đất mới đã giảm 123 triệu đồng/m2 và chỉ còn 687 triệu đồng/m2.
Theo ông Châu, bảng giá đất mới của TPHCM được cân chỉnh lại toàn bộ, từ các quận, huyện, cho tới TP.Thủ Đức theo từng vị trí đất và các vị trí đất giáp ranh của từng địa phương.
Điển hình, giá đất ở của đường Song Hành quốc lộ 22 (đoạn từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Lý Thường Kiệt) huyện Hóc Môn là 32,3 triệu đồng/m2, đã giảm 54,5% so với mức giá 71 triệu đồng/m2 so với trước đó.
“Bảng giá đất mới đã khắc phục được tình trạng giá đất chưa hợp lý của dự thảo bảng giá đất điều chỉnh được công bố ngày 29/7. Riêng tại một số khu vực tại quận 1, quận 4 và quận 5, bảng giá đất mới còn cân chỉnh lại theo từng vị trí đất của các tuyến đường trên địa bàn của từng quận hợp lý hơn”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cho rằng, bảng giá đất mới mặc dù đã được cân chỉnh lại hợp lý hơn, nhưng vẫn sẽ tác động trực tiếp đến các cá nhân, hộ gia đình đang xin cấp giấy quyền sử dụng đất , quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ), họ sẽ nộp tiền sử dụng đất cao hơn trước đây.
Một số trường hợp khác cũng phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn, như việc xin hợp pháp hóa quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp gắn liền với nhà ở trong cùng thửa đất đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, hoặc xin tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở.
Bảng giá đất điều chỉnh cũng sẽ được áp dụng cho việc tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng , sẽ giúp tạo nguồn cung quỹ đất thực hiện các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, đô thị.
Tuy nhiên, ông Châu khẳng định, bảng giá đất điều chỉnh chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản . Lý do, các dự án hiện nay được định giá đất chủ yếu theo phương pháp thặng dư nhưng sẽ tác động đến thị trường ở “pha 2” khi doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội thì người dân có tâm lý muốn bán với giá cao hơn trước đây, dẫn đến áp lực “kích đẩy” làm tăng giá nhà.
Do vậy, cần có biện pháp để kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới “đầu nậu”, “cò đất”, có thể lợi dụng việc Nhà nước ban hành bảng giá đất điều chỉnh để “kích giá”, thổi giá đất” làm nhiễu loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi bất chính.
“Đề nghị UBND các tỉnh, thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật để người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, đi đôi với các biện pháp quản lý, điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ”, ông Châu nói.
Hôm 21/10, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định 02/2020 về bảng giá đất trên địa bàn TPHCM. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/10 đến hết ngày 31/12/2025.
Theo đó, giá đất tại TPHCM sẽ tăng khoảng 4-38 lần so với giá đất hiện hành. Trong đó, giá đất cao nhất thuộc về các khu vực đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi (quận 1) với mức 687.200.000 đồng/m2.