Bất động sản chưa đáng lo ngại về "bong bóng" hay "đổ vỡ"

Bất động sản chưa đáng lo ngại về bong bóng hay đổ vỡ - 1

Thị trường chưa có dấu hiệu bong bóng hay đổ vỡ.

Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản, tại Diễn đàn toàn cảnh thị trường vừa diễn ra, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nhận định trong năm nay,  thị trường sẽ không có nhiều khác biệt so với năm 2018, thậm chí một số loại hình đang bộc lộ dấu hiệu giảm giao dịch, giảm nguồn cung so với cùng kỳ năm trước.

"Quý I năm nay, nguồn cung tại Hà Nội đến từ 14 dự án chỉ đạt khoảng 5.000 căn, chiếm 20% so với năm 2018, hay tại TPHCM, số căn hộ đủ điều kiện bán trong quý là 3.300 căn, tức tương đương 12% so với cùng kỳ", ông dẫn ví dụ.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, một trong những nguyên nhân là quá trình thanh tra, rà soát về thủ tục pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung căn hộ và tác động mạnh đến tâm lý người mua nhà trong thời gian qua.

Nói về triển vọng thị trường những tháng còn lại trong năm nay, ông Khởi nói: "Thị trường 2019 sẽ cơ cấu lại nguồn hàng bất động sản, có sự rõ ràng về cơ chế đầu tư, pháp lý. Nguồn cung của thị trường sẽ được bảo đảm theo hướng an toàn hơn. Thị trường sẽ không xảy ra bong bóng mà phát triển theo xu hướng bền vững, không có chuyện sốt như giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018 nữa", ông Khởi nhận định.

Đại Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cũng cho rằng xu hướng đầu tư BĐS du lịch nghỉ dưỡng và BĐS công nghiệp vẫn là 2 xu hướng quan trọng. Những tác động về mặt chính sách của Nhà nước và xu hướng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài được dự báo sẽ ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ thị trường.

Ông cũng nhắc tới việc mới đây Thủ tướng đã giao giao Bộ Tài chính nghiên cứu một số định chế tài chính như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tín thác bất động sản. Điều này sẽ giúp huy động các nguồn lực cho thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi cũng cho biết từ nay đến cuối năm, dự kiến có 4 đạo luật liên quan đến BĐS được sửa đổi, trong đó Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng sẽ tác động tới thị trường bất động sản. Do vậy, các doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế, xu hướng đầu tư.

Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ Ban Giám sát Quốc gia, hiện tại thị trường vẫn diễn biến ổn định và chưa có dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng “bong bóng” hay “đổ vỡ”.

“Nguồn cầu bất động sản vẫn tăng với cấp độ bình thường. Ít nhất từ nay đến năm 2021 sẽ chưa có dấu hiệu đổ bể của thị trường bất động sản. Sẽ có một sự dịch chuyển dòng vốn rất lớn từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản nhưng có thể phải tới năm 2019 mới bắt đầu, nhanh thì kéo dài đến năm 2021, còn chậm thì đến năm 2023. Điều đó có nghĩa, giai đoạn từ năm 2021 - 2023 thị trường bất động sản mới lên đến đỉnh điểm và có nguy cơ xảy ra bong bóng, còn hiện nay thì chưa", ông Nghĩa nhận định.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhắc tới những dự báo gần đây về sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu. Thậm chí, theo ông, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã cảnh báo khả năng sụp đổ nền tài chính.

"Trong bối cảnh ấy, với Việt Nam, phát triển dịch vụ và du lịch là hướng đi tốt nhất", ông Nghĩa nói và dẫn nghiên cứu tại 81 nước cho thấy, sau khi thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 2.000 USD, nếu các nước "đi thẳng" vào dịch vụ sẽ thành công. Trong 81 nước này, theo vị chuyên gia, chỉ một nước thất bại là Philippines bởi đã tập trung phát triển dịch vụ khi thu nhập bình quân đầu người mới chỉ 500 USD.

"Người ta bảo không đi vào công nghiệp lấy đâu ra tiền làm dịch vụ, du lịch. Không phải. Giới trung lưu Việt Nam đang phát triển nhanh. Resort 5 sao bây giờ toàn người Việt Nam. Đó là nguồn lực. Thời buổi bây giờ khác, cách tiêu dùng cũng khác," ông Nghĩa nói.

Vị chuyên gia khẳng định, định hướng với ngành bất động sản về ngắn và trung hạn có thể là nhà ở nhưng dài hạn phải là bất động sản du lịch. "Chính phủ nên tập trung xây dựng hạ tầng du lịch," ông kiến nghị.

Phương Dung

Bất động sản chưa đáng lo ngại về bong bóng hay đổ vỡ - 2