Bất động sản công nghiệp, nhà ở và thương mại là "khẩu vị" của hơn 6,3 tỷ USD vốn FDI năm 2024

Bắc Ninh dẫn đầu trong thu hút vốn FDI vào bất động sản

Theo báo cáo của của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2023. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 2 khi thu hút hơn 6,3 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư và tăng hơn 35% so với năm 2023.

Về các nước đối tác, trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 6,26 tỷ USD, chiếm 31,7% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến, Hàn Quốc 2,89 tỷ USD, chiếm 14,6%; Trung Quốc với 2,84 tỷ USD, chiếm 14,4%. Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) là 2,17 tỷ USD, chiếm 11%.

Có 3.375 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 19,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,72 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Về địa bàn đầu tư, Bắc Ninh dẫn đầu với gần 5,12 tỷ USD, gấp hơn 2,8 lần so với năm 2023. Hải Phòng và TP. HCM lần lượt đứng thứ 2 và 3 với hơn 4,94 tỷ USD và 3,04 tỷ USD.

Đặc biệt, theo Tống cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Điều này khẳng định niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2023.

Khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào 3 phân khúc bất động sản nổi bật

Theo báo cáo thị trường của Savills, hãng dịch vụ tư vấn bất động sản này cho biết: Thị trường Việt Nam chủ yếu thu hút các nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu. Trong đó, "khẩu vị" khối ngoại tập trung vào các loại hình bất động sản công nghiệp, nhà ở và thương mại.

Cụ thể, loại hình bất động sản công nghiệp thu hút nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam. Sự gia tăng của phân khúc này được thúc đẩy bởi sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án nhà kho và xưởng hạng A, đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng cao trên thị trường.

Đồng thời, loại hình bất động sản nhà ở và thương mại cũng nhận được sự quan tâm lớn nhờ việc đô thị hóa cùng nhu cầu về nhà ở tăng cao trong các thành phố lớn và sự phát triển của thị trường bán lẻ

Bà Nguyễn Lê Dung, Trưởng bộ phận môi giới và đầu tư, Savills Hà Nội chia sẻ: Các nhà đầu tư hiện nay có xu hướng ưu tiên các doanh nghiệp tư nhân hơn, nhờ vào tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh trong vận hành. Về quy mô và tổng mức đầu tư của các nhà đầu tư rất đa dạng, sẽ thay đổi tùy thuộc vào từng phân khúc phát triển.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đặc biệt chú trọng đến các dự án có khả năng phát triển bền vững và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường hiện tại để gia tăng chất lượng sản phẩm và trải nghiệm của người tiêu dùng.

Đồng thời, vấn đề pháp lý sẽ được đặt lên ưu tiên do ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án, cấu trúc giao dịch và kế hoạch tài chính của nhà đầu tư.