Bất động sản Đồng Nai: Trầm lắng bất ngờ, khó đoán định
Từ năm 2016 – 2018, thị trường bất động sản Đồng Nai đã thu hút rất nhiều sự chú ý của nhà đầu tư. Vào thời điểm này, giá bất động sản Đồng Nai nhiều khi vượt đến 30 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, thông tin về việc xây dựng sân bay Long Thành càng khiến cho việc sốt đất diễn ra mạnh mẽ.
“Cò đất” tên H. cho biết, vào thời điểm thịnh vượng, việc giao dịch đất trở nên vô cùng dễ dàng. Người mua cũng không đòi hỏi nhiều, chỉ cần thủ tục đầy đủ là tiến hành giao dịch. Có thời điểm nhiều “cò đất” có thu nhập vô cùng cao, đủ sống cả năm.
“Lúc đó, một tháng tôi bỏ túi vài chục triệu là chuyện bình thường. Khi mà cơn sốt đất nhờ thông tin xây dựng dự án sân bay Long Thành gây được sự chú ý với các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư còn không biết hình dạng miếng đất như thế nào mà vẫn xuống tiền để lướt kiếm lời”, cò H. nói.
Thế nhưng, bất động sản Đồng Nai hiện nay đã khác. Dạo quanh tại khu vực huyện Nhơn Trạch, hoạt động mua bán nhà đất giờ chỉ diễn ra nhỏ lẻ. Các “cò đất” sẽ tìm cho nhà đầu tư những miếng đất nhỏ đủ tách thửa được từ 3 – 5 nền để chào bán.
Mặc dù có những khu trầm lắng nhưng không vì thế mà bất động sản Đồng Nai mất đi "điểm sáng". Nhiều người ví von bất động sản Đồng Nai luôn có những “cơn sóng ngầm” khi giao dịch đất nền tại các “điểm nóng” vẫn âm thầm tăng giá đều.
Theo khảo sát, một lô đất có diện tích khoảng 90m2 trên quốc lộ 1A, trung tâm hành chính huyện Trảng Bom hiện tại có giá khoảng từ 1,8 - 2,1 tỉ đồng, tương đương 20 - 23 triệu đồng/m2. Những lô có diện tích lớn trên 100 m2 thì giá khoảng từ 19 - 21 triệu đồng/m2, tăng khoảng 3 - 4 triệu đồng/m2 so với thời điểm cuối năm 2019.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai dự kiến cho thực hiện 312 dự án khu dân cư với tổng diện tích 9.295ha theo kế hoạch sử dụng đất năm 2020. 312 dự án này gồm nhiều dự án mới đưa vào quy hoạch sử dụng đất của năm nay và cả những dự án chuyển sang từ năm 2019. Số dự án phải thu hồi đất là 219 dự án với tổng diện tích thu hồi khoảng 5.981ha.
Lý giải việc thị trường nhà đất Đồng Nai không sốt như những năm trước, nhiều chuyên gia cho rằng, do hoạt động của các nhà đầu tư không còn mạnh mẽ như trước khi thị trường Đồng Nai đã lên giá quá cao.
Đồng thời, chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng siết chặt công tác quản lý phân lô, tách thửa sau một thời gian sốt đất cũng khiến cho thị trường trở nên chậm lại.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) từng chia sẻ, thị trường Đồng Nai nổi bật là đất nền, nhất là vị trí địa lý tự nhiên của TP.Biên Hoà nằm sát cạnh TPHCM. Trên thế giới, đô thị vệ tinh phải nằm trong bán kính 200km, còn TP.Biên Hoà chỉ cách TPHCM có 30km. Vì vậy, có thể gọi TP.Biên Hoà là ngoại ô của TPHCM. Sắp tới Nhơn Trạch và Long Thành cũng như vậy.
Một số chuyên gia nhận định, để thị trường Đồng Nai phát triển trở lại trong thời gian tới thì cần phải giải quyết một bất cập là nhà đầu tư nhảy vào đầu tư ồ ạt rồi bán. 3- 4 năm sau đó quay lại vẫn không có nhà nào ở, dưới góc độ phát triển dự án là thất bại hoàn toàn.
Quế Sơn