Bất động sản du lịch: Hàng loạt dự án lớn nhưng so với thế giới "vẫn chưa là gì"
Phát biểu tại toạ đàm về bất động sản du lịch, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, phát triển du lịch trước hết là phát triển đa dạng, đa tầng. Thực tế phát triển du lịch ở Việt Nam đang đi từng bước.
Cụ thể, trước tiên, chúng ta hướng tới các nhóm khách hàng du lịch bình dân, những du khách mà chúng ta vẫn nhìn thấy ở phố Bùi Viện (TPHCM) hay Tạ Hiện (Hà Nội).
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, các cơ sở hạ tầng, tiện ích cũng đang hướng tới phân khúc khách du lịch cấp cao. Và đang hướng tới việc phục vụ khách du lịch cấp cao hơn nữa. Không đứng ngoài xu hướng, nhiều doanh nghiệp đang giới thiệu những tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới.
"Tôi khẳng định chúng ta phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng khác nhau, huy động hoạt động đó không chỉ cần các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, cũng không quá trông mong vào nước ngoài mà còn cần huy động sức mạnh của 95,4 triệu người dân. Và quan trọng là cần sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước", ông Ánh nói.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển thị trường bất động sản du lịch Việt Nam có thể thấy, có rất nhiều dự án “lớn”, nhưng so với thế giới vẫn “chưa là gì”. Chưa kể, thị trường thời gian qua đã có sự tắc nghẽn nhất định.
"Sự tắc nghẽn này là do khung pháp luật về bất động sản du lịch chưa đáp ứng được dòng phát triển của thị trường, các cán bộ có thẩm quyền phê duyệt lâm vào cảnh e ngại", ông Võ nhấn mạnh.
Theo ông Võ, trước bối cảnh ấy là lúc nhìn lại sự phát triển thời gian vừa qua. Không thể phủ nhận, tiềm năng du lịch Việt Nam từ trước đến nay là rất lớn, còn nhiều dư địa. So sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam không chỉ có lợi thế về điều kiện tự nhiên mà còn có lợi thế về chính trị, xã hội ổn định.
"Giai đoạn vừa rồi chúng ta ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Nhưng tôi cho rằng, mức tăng trưởng đó vẫn ở giai đoạn đầu, còn nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn nữa", ông nói.
Nhưng để làm được điều đó, ông Võ cho rằng, cũng cần giải quyết nhiều thách thức. Bởi Việt Nam tăng trưởng từ mức thấp lên trung bình thì có thể dễ, nhưng từ trung bình lên cao hẳn thì không đơn giản.
So sánh với thị trường du lịch và bất động sản du lịch Việt Nam, thời gian vừa rồi, du lịch của chúng ta đã đi qua con đường từ nước có ngành du lịch kém đạt được mức trung bình.
"Con đường này cũng có nhiều khó khăn, chúng ta đã làm được. Nhưng để phát triển tiếp thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm", ông đánh giá.
Vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam cũng đã có nhiều dự án bất động sản du lịch đảm bảo chất lượng tốt, có quy hoạch được một số công trình vui chơi giải trí. Thị trường cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc condotel, nhưng vì nhiều lý do, trong đó nhiều nhất là tính pháp lý khiến phân khúc này giai đoạn vừa qua có nhịp chững.
"Từ thực tế đó có thể thấy rằng, để thị trường bất động sản du lịch Việt Nam tăng trưởng hơn nữa, chúng ta phải khắc phục được những điểm yếu này, đó cũng là cơ hội để các mô hình bất động sản du lịch đa công năng có thể phát huy được lợi thế của chúng", ông nói thêm.
Phương Dung