Bất động sản ế ẩm thời đại dịch, vì đâu giá không chịu giảm còn tăng?

Bất động sản ế ẩm thời đại dịch, vì đâu giá không chịu giảm còn tăng? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều đầu tư thứ cấp đang sở hữu căn hộ, nếu không chịu áp lực từ đòn bẩy tài chính, phần lớn vẫn tin tưởng về thanh khoản thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát nên không có ý định giảm giá để kích cầu.


Cầu về bất động sản giảm tới 50%

Thị trường bất động sản đang bị tác động rất mạnh bởi đại dịch toàn cầu Covid-19. Tuy nhiên, một số phân khúc như bất động sản nhà ở được nhìn nhận như chiếc lò xo bị “nén" lại, tức là nhu cầu có chững lại trong ngắn hạn nhưng tiềm năng vẫn rất lớn sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Không ít người vẫn cho rằng, sự sôi động của phân khúc này sẽ sớm trở lại ngay khi Việt Nam và thế giới đẩy lùi được dịch bệnh. Có lẽ đây là một trong những lý do góp phần khiến thị trường bất động sản chứng kiến mức suy giảm từ tổng cầu rất lớn nhưng mặt bằng giá cả chưa hề có chiều hướng “hạ nhiệt".

Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chi nhánh TP.HCM của trang tìm kiếm bất động sản Batdongsan.com.vn cho biết, giá bán bất động sản ở hầu hết các loại hình ít biến động, mặc dù không tăng mạnh như năm 2019 nhưng cũng không giảm. Chỉ có xu hướng giảm rõ rệt đối với giá thuê.

Ông Tuấn cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, khi mà nhu cầu về sức khỏe, an toàn được đặt lên hàng đầu thì hầu hết các nhu cầu khác đều sẽ giảm, nhu cầu tìm kiếm bất động sản không phải ngoại lệ. Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản cả nước giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về mức giá bất động sản, ông Tuấn lý giải: Trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh các nhà đầu tư sẽ ưu tiên giữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro nhưng nhóm có nhu cầu thực sự vẫn đang vượt quá số cung của thị trường hiện nay.

Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, giá nhà mặt phố tại TP. HCM tại quý I/2020 tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, theo giải thích của vị chuyên gia, nhiều đầu tư thứ cấp đang sở hữu căn hộ, nếu không chịu áp lực từ đòn bẩy tài chính, phần lớn vẫn tin tưởng về thanh khoản thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát nên không có ý định giảm giá để kích cầu.

Đó là lý do vì sao giá một số phân khúc bất động sản không những giảm mà còn có xu hướng tăng tại một số nơi như TP.HCM.

“Mặt bằng giá bất động sản được đẩy lên rất cao trong 2-3 năm trở lại đây”

Nói với Dân trí, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc chi nhánh TP.HCM của trang tìm kiếm bất động sản Batdongsan.com.vn cho biết, giá rao bán bất động sản tại TP.HCM thời gian qua tương đối ổn định, không có hiện tượng giảm giá trong thời điểm này.

“Giá rao bán tại TP.HCM trong tháng không có sự khác biệt so với tháng 1/2020. Giá rao bán chung cư trung bình hiện tại là 44 triệu đồng/m2”, ông Tuấn cho hay.

Đáng lưu ý, theo ông Tuấn, mặt bằng giá bất động sản đã được đẩy lên rất cao trong khoảng thời gian từ 2-3 năm trở lại đây.

“Dưới sự tác động của dịch bệnh sẽ đưa về lại giá trị thực”, ông Tuấn kỳ vọng trong ngắn hạn giá sẽ thay đổi và điều chỉnh về lại mức hợp lý. Đó chính là thời điểm các nhà đầu tư có thể cân nhắc việc mua đầu tư cho thuê (làm homestay, co-working, văn phòng) trong thời điểm này khi mà mọi sinh hoạt chưa ổn định, du lịch đi xuống, nhiều công ty cho làm việc tại nhà.

Dự báo về việc giá bất động sản sẽ bị đẩy lên khi nguồn cung ngày càng khan hiếm được nhiều tổ chức, chuyên gia đưa ra trước thời điểm xuất hiện đại dịch Covid-19.

“Nguồn cung bất động sản sẽ có nhiều biến động do Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc cấp quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng. Nhu cầu tiếp tục tăng và sẽ đẩy giá cao hơn nữa ở các phân khúc”, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhận định.

Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnamreport) cũng từng đưa ra những nhận định rất đáng lưu ý về thị trường bất động sản liên quan vấn đề về giá.

Theo Vietnamreport, mặt bằng giá bất động sản nói chung đã tăng vọt lên 50%, có nơi cả 100% và thậm chí 200% chỉ trong vòng vài năm trong khi mức tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng gần 7%/năm, mức tăng thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ ở mức 7-8%/năm.

“Rõ ràng mức tăng giá bất động sản đã vượt quá xa tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Do đó, xét về triển vọng ngành, bất động sản vẫn được giới phân tích đánh giá khá thận trọng trong giai đoạn này vì những rủi ro mang tính ngắn hạn”, báo cáo nhận định.

Nguyễn Mạnh