Bất động sản gặp khó vì dịch, dự báo cuộc cạnh tranh gay gắt cuối năm 2020?
Sức mua sẽ cải thiện khi dịch bệnh được ngăn chặn
Theo khảo sát của một số đơn vị tư vấn, thị trường bất động sản cả hai miền Bắc - Nam đều cho thấy sự chững lại của thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong đó, dữ liệu nghiên cứu trực tuyến của Batdongsan.com.vn cho thấy mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất của người dùng cả nước trong tháng 2/2020 giảm 14% so với cùng kỳ. Trong đó, TP.HCM ghi nhận nhu cầu tìm mua bất động sản giảm gần 24%.
Nếu so với tháng 1, nhu cầu mua bất động sản có tăng nhưng đây là thời điểm Tết Âm lịch, vốn rất ít giao dịch. Mức tăng của tháng 2 chỉ cho thấy thị trường phần nào đã khởi động trở lại sau đợt nghỉ lễ kéo dài, còn nếu so với cùng kỳ 2019, nhu cầu mua giảm đáng kể.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dịch cúm Covid-19 bất ngờ xuất hiện gây thêm áp lực cho nền kinh tế tại các nước đang có dịch, trong đó có Việt Nam và làm suy yếu những triển vọng cho thị trường bất động sản.
Theo đại diện Savills, thị trường chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, theo sau đó là mảng văn phòng và bất động sản công nghiệp, thị trường nhà ở cũng không hề được “miễn dịch” bởi đại dịch này.
Vậy những ảnh hưởng của virus Corona sẽ tác động đến đâu? Trả lời câu hỏi này, đại diện Savills đề cập tới sự bùng nổ của SARS vào năm 2003 và tác động của nó đến kinh tế, từ đó đánh giá tác động của dịch Covid-19.
Tuy nhiên vị này cho rằng, dịch SARS xuất hiện vào thời điểm khi thị trường bất động sản đang ở thời kỳ suy thoái, khác với -19 hiện tại khi thị trường bất động sản đang trên đà phát triển.
“Nếu sự bùng phát của Covid-19 tương tự như SARS, chúng ta có thể dự đoán được những thiệt hại sâu rộng tới nền kinh tế trong nửa đầu năm 2020 tuy nhiên nửa cuối năm sẽ ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng”, đại diện Savills nhận định.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cũng cho rằng, tại thời điểm này các chủ đầu tư cũng như công ty môi giới buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, một khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng một lúc, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong nửa cuối năm nay.
“Các nhà đầu tư cũng có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Sức mua chỉ có thể được cải thiện một khi dịch bệnh được ngăn chặn và làn sóng đầu tư mạnh mẽ quay lại thị trường”, đại diện CBRE nhận định.
Nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, năm 2019 lực cầu rất tốt, nhu cầu về nhà ở, đầu tư kinh doanh do dòng vốn vào Việt Nam cao, thu nhập bình quân đầu người gia tăng...
“Tôi không nghĩ rằng lực cầu rất tốt này có thể mất đi trong một chốc một lát được. Nhu cầu nhà ở chắc chắn còn tăng vì thực tế nó vẫn chưa được giải quyết tốt trong thời gian qua. Giờ việc cần làm là kiểm soát dịch bệnh thật tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đầu tư…”, ông Đính tin tưởng rằng khi từng vấn đề được giải quyết thị trường bất động sản sẽ hồi phục.
Giải pháp nào cho doanh nghiệp bất động sản “gồng mình” qua đại dịch?
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản có liên quan đến hơn 90 ngành nghề, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động và cung ứng nhiều loại hình sản phẩm bất động sản, đặc biệt là nhà ở.
Chính vì vậy, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản như con chim báo bão, nếu bị khủng hoảng sẽ kéo theo sự khủng hoảng của nền kinh tế. Nhưng đồng thời thị trường này cũng như “con chim én báo mùa xuân về”, khi thị trường bất động sản hồi phục sẽ kéo theo sự phục hồi của nền kinh tế, có tính lan tỏa rất lớn.
Đưa ra giải pháp để doanh nghiệp cùng nhau vượt khó khăn tại thời điểm này, ông Lê Hoàng Châu khuyến nghị các doanh nghiệp địa ốc trước hết cần triệt để tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ dẫn của ngành y tế về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Tăng cường các biện pháp phòng dịch (đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, sử dụng dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt…); nhằm đảm bảo cao nhất an toàn cho cán bộ, nhân viên và khách hàng, bảo vệ bản thân, gia đình và có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội, nhất trong trường hợp phải thực hiện cách ly.
Theo ông Châu, trong giai đoạn dịch đang diễn biến khó lường hiện nay, các doanh nghiệp không tổ chức các sự kiện đông người (như tiếp thị, mở bán sản phẩm, động thổ, khởi công, khánh thành rầm rộ…), hạn chế các cuộc họp không cần thiết, sử dụng phương thức hội nghị trực tuyến (online) để phòng tránh nguy cơ lây lan virus.
Đồng thời ông Châu cho rằng doanh nghiệp địa ốc cũng cần điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất kinh doanh, cho phép một bộ phận cán bộ, nhân viên đủ điều kiện được làm việc từ xa, tại nhà, không phải đến cơ quan, nhất là lĩnh vực môi giới, tiếp thị, pháp chế, công nghệ thông tin…
“Trong giai đoạn thị trường trầm lắng và khó khăn hiện nay, cũng chính là cơ hội để các Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng”, ông Châu cho biết.
Đối với các tập đoàn lớn, Chủ tịch HoREA cho rằng có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.
Nguyễn Mạnh