Bất động sản năm 2020: Xu hướng về vùng ven là tất yếu
Tại hội thảo “Cơ hội đầu tư đầu tư bất động sản vùng lân cận TPHCM năm 2020”, nhiều ý kiến cho rằng, bất động sản ven Sài Gòn đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và trở thành nguồn cung chủ lực cho năm 2020.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE chia sẻ, khu vực ven TPHCM đang là một thị trường sôi động vì có nhiều sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM đang gặp nhiều khó khăn khi thiếu nguồn cung, khan hiếm sản phẩm thì sẽ là cơ hội trỗi dậy của bất động sản vùng ven.
Ngoài ra, với việc giá nhà ở các khu vực trung tâm TPHCM tăng cao, thách thức về lãi vay, việc đầu BĐS cho thuê không còn hấp dẫn với khách hàng vì hiệu suất sinh lời giảm mạnh trong giai đoạn từ năm 2018 – 2019.
“Tại TPHCM, trong quý 3/2019 có dự án ở phân khúc tầm trung tại quận 9 được chào bán với số lượng 10.000 căn. Nhìn chung, thị trường khá khó khăn, nhưng hầu hết dự án chào bán mới thành công khoảng 70-80%, đặc biệt là phân khúc tầm trung.
Ở phân khúc hạng sang, tỷ lệ biến động giá so với các phân khúc khác dự kiến còn tăng. Tuy nhiên với mức giá hiện nay, nhiều nhà đầu tư khó chen chân nên xu hướng tìm kiếm về vùng ven là tất yếu”, ông Kiệt cho biết.
Theo ông Kiệt, thị trường BĐS các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương hay Long An đang là những thị trường quyết định nguồn cung lớn trong năm 2020. Trong đó, sản phẩm nhà phố sẽ được ưa chuộng, nhất là các dự án có chủ đầu tư uy tín và pháp lý rõ ràng.
Thời gian qua, nhiều dự án vùng ven bị ảnh hưởng do hệ lụy từ các dự án ma đã phủ bóng thị trường. Từ đó nhiều nhà đầu tư có tâm lý lo ngại về các dự án ảo, pháp lý không thể triển khai được cùng nhiều yếu tố khác.
“Trước đây, việc lựa chọn sản phẩm dựa vào vị trí và hạ tầng. Hiện nay xu hướng có thay đổi. Vị trí, pháp lý và uy tín là yếu tố cân nhắc khi đưa ra quyết định đầu tư”, ông Kiệt nói.
Còn ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Nghiên cứu quy hoạch và Phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, trong thế kỷ 20 thì sân bay được coi là trung tâm vận tải với nhiều vai trò giúp các doanh nghiệp đề cao giá trị thời gian, đa dạng hóa kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, hút nhà đầu tư… Nhưng hiện nay, sân bay còn là chìa khóa giúp phát triển kinh tế và giúp kết nối toàn cầu với tốc độ cao.
Hệ thống hàng không được ví như Internet hữu hình, kết nối các nền kinh tế trên thế giới. Kết nối hàng không chính là lợi thế cho doanh nghiệp và đô thị phát triển.
Đối với ngành sản xuất công nghệ cao, hàng không sẽ giúp kết nối nhanh chóng, toàn cầu với các nhà cung cấp. Trụ sở các doanh nghiệp có xu hướng phụ thuộc vào vị trí sân bay, tỷ lệ di dời đến sân bay nhỏ 40%, đến sân bay lớn là 60%.
Về tác động của ngành hàng không và sân bay, theo nghiên cứu của Oxford Economics trên hơn 80 quốc gia, năm 2010 ngành hàng không đóng góp 22 triệu việc làm và 1,4 nghìn tỉ USD GDP.
“Các sân bay được kết nối tốt sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh vô cùng lo lớn. Tại khu vực vùng ven TPHCM, thì Long An, Đồng Nai và Bình Dương tương lai sẽ là một đô thị sân bay. Do đó, Đồng Nai cần quy hoạch lại để phát triển đô thị sân bay. Lúc đó, sân bay Quốc tế Long Thành sẽ phát huy được hiệu quả, sẽ là trung tâm hội nghị quốc tế, thu hút đầu tư, nguồn lao động. Đó chính là cơ hội, tiền đề giúp bất động sản Đồng Nai phát triển”, ông Đông chia sẻ.
Quế Sơn