Bất động sản TPHCM: Doanh nghiệp "đứng hình" vì câu chuyện pháp lý dự án
Thời gian qua, câu chuyện pháp lý dự án đã khiến cho không ít doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều dự án không thể triển khai, “đứng hình” một thời gian dài đã trở thành gánh nặng tài chính cho nhiều doanh nghiệp.
Điển hình, tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) gần đây, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Công ty Quốc Cường Gia Lai đã tỏ ra bất lực khi nói về dự án Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM). Theo bà Loan, công ty đã tìm nhiều cách tháo gỡ cho dự án rộng 90 ha này nhưng vẫn "giậm chân tại chỗ".
Bà Loan cũng cho biết, dự án đã được duyệt 1/500 và chấp thuận đầu tư cách đầy gần 4 năm. Thế nhưng, do vướng quy trình mà dự án không thể triển khai, dù nhiều lần nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên và Môi trường (TN – MT) để xin giao đất làm hạ tầng. Nhưng, sự việc vẫn không thể giải quyết .
“Công ty chúng tôi đã thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh. Công ty không biết xoay sở vào đâu, dòng tiền thu – chi không chủ động được. Tất cả ách tắc này chỉ vì sự bất cấp của các thủ tục đầu tư xây dựng ở các dự án có quỹ đất hỗn hợp”, bà Loan chia sẻ.
Tương tự, Công ty Đại Phúc Land cũng chia sẻ về việc mất 15 năm để xin thủ tục làm dự án. Theo đại diện của doanh nghiệp này, công ty đã phải mất 15 năm để làm thủ tục hành chính ở dự án lên tới gần 200 ha. Thời gian từ lúc xin thủ tục đến khi triển khai quá lâu đã dẫn đến độ “lệch” so với nhu cầu của thị trường.
“Thế nên, sau khi đã hoàn thành tất cả thủ tục về mặt pháp lý quy hoạch, nghĩa vụ tài chính, doanh nghiệp cần điều chỉnh cục bộ về mặt sản phẩm cho phù hợp yêu cầu thực tế thị trường nhưng rất e ngại vì phải làm lại các thủ tục từ đầu", đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Ngoài ra, Công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển nhà Bình Dân cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét phê duyệt giá đất dự án Khu dân cư Bình Chiểu 2 (quận Thủ Đức) để công ty này hoàn thành nghĩa vụ tài chính để thực hiện dự án khu nhà ở thương mại sau 10 năm chờ đợi.
Đây là một trong những số ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện dự án do vấn đề pháp lý. Khó khăn về pháp lý đang khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, hàng trăm dự án đứng hình và hàng ngàn tỉ đồng vốn bị chôn lại, kéo theo áp lực tài chính đè nặng doanh nghiệp địa ốc.
Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng giám đốc một công ty bất động sản chia sẻ, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn cũng như quỹ đất để triển khai dự án. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại bị động vào câu chuyện pháp lý. Để giải quyết nguồn cung cho thị trường, cần phải tháo gỡ pháp lý trên diện rộng chứ không phải là một phần nhỏ lẻ trên thị trường.
Cũng theo ông Đào, sau khi giải quyết được bài toán pháp lý thì cần phải hỗ trợ chính sách cho người mua nhà. Trong đó, những quy định liên quan đến việc bảo lãnh, đối tượng hưởng chính sách nhà ở… cần được rõ ràng và tháo gỡ tốt hơn. Chẳng hạn, chủ trương của nhà nước là phát triển nhà giá thấp, hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu số đông nhưng các gói đi kèm chưa có, điều này cần được quan tâm giải quyết mạnh hơn. Các phân khúc khác trên thị trường cũng tương tự.
Ông Đào cho rằng, cần có chính sách cho chủ đầu tư làm dự án thì mới đảm bảo được nguồn cung ra thị trường ổn định. Cụ thể, Nhà nước nên hoạch định một chính sách vốn cho bất động sản. Thực tế hiện nay cách thức điều tiết thị trường bất động sản chưa có chiến lược mà chỉ đưa ra việc hạn chế cho vay bất động sản.
Trả lời báo chí, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, vấn đề lớn nhất hiện nay của bất động sản chính là pháp lý. Nguyên nhân dẫn đến guồn cung của thị trường trong thời gian quan khan hiếm xuất phát từ chuyện ách tắc và vướng mắc thủ tục pháp lý…
“Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản về tài chính, thuế để vượt qua khó khăn ở thời điểm này thì cần hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục pháp lý để cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính và đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư”, ông Khương chia sẻ.
Quế Sơn