Bất động sản trước cú sốc Covid-19: Phân khúc nào chịu “sóng gió” nhất?

Bất động sản trước cú sốc Covid-19: Phân khúc nào chịu “sóng gió” nhất? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Tác động của tâm lý hạn chế đi lại và lệnh cấm nhập cảnh từ nhiều quốc gia đã ngay lập tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khách sạn và du lịch.


Doanh nghiệp, cộng đồng và chính phủ nhiều nước đang phải đối mặt với thực tế về mức độ nghiêm trọng của tình hình lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19.

Trong báo cáo vừa được phát hành với chủ đề “Thị trường bất động sản trước cú sốc Covid-19”, JLL dự báo về kịch bản phục hồi an toàn, tăng trưởng chậm và có thể kéo dài trước tác động của Covid-19.

“Khả năng phục hồi kinh doanh sẽ là trọng tâm lâu dài cho những nhà đầu tư bất động sản, cũng như xây dựng khả năng đáp ứng nhanh chóng nếu phải đối mặt với một sự kiện tương tự khác trong tương lai”, JLL nhận định.

Theo dự báo của JLL, hoạt động đầu tư có thể sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 do các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn, trong đó lĩnh vực bán lẻ và khách sạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

“Các nhà đầu tư sẽ nghiêng về tài sản trú ẩn an toàn, cân nhắc về rủi ro như ổn định thu nhập và khả năng vận hành. Trong những sự kiện biến động về kinh tế tương tự, các nhà đầu tư có xu hướng phân bổ vốn vào bất động sản nhiều hơn theo thời gian, nhờ biên lợi nhuận tương đối hấp dẫn so với các loại tài sản khác”, JLL cho hay.

Theo JLL, tác động của tâm lý hạn chế đi lại và lệnh cấm nhập cảnh từ nhiều quốc gia đã ngay lập tức làm ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực khách sạn và du lịch.

Trong ngắn hạn, tỷ lệ lấp đầy của ngành sẽ giảm. Các thị trường có tỷ lệ khách quốc tế cao sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi các khu vực có thể phục vụ du khách trong nước có thể bị ảnh hưởng ít hơn.

Dự báo về khả năng phục hồi, JLL cho rằng phân khúc bất động nảy chỉ có khả năng phục hồi nhanh chóng nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian ngắn.

Khó khăn không kém bất động sản du lịch, JLL cho rằng thị trường bán lẻ bước vào giai đoạn rủi ro cao đối với dòng tiền và tăng chi phí vận hành phát sinh do sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và gián đoạn chuỗi cung ứng.

“Bảo vệ dòng tiền vẫn rất quan trọng đối với tất cả các nhà bán lẻ và đặc biệt đối với những nhà đầu tư có biên lợi nhuận mỏng. Các nhà bán lẻ có tiềm lực mạnh mẽ để vận hành tốt kênh bán hàng trực tuyến và xây dựng mô hình bán lẻ đa kênh linh hoạt sẽ hưởng lợi lâu dài. Đảm bảo sự linh hoạt và dẻo dai của chuỗi cung ứng cũng sẽ là chìa khóa để giảm thiểu rủi ro của những cú sốc trong tương lai”, JLL khuyến nghị.

Cũng theo JLL, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động lớn tới lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Ngoài ra, bệnh dịch sẽ làm trì hoãn hoạt động đầu tư ở khối văn phòng, và tăng trưởng cho thuê sẽ chậm hơn so với dự báo trước đây. Số người làm việc từ xa tăng, có khả năng làm giảm tỷ lệ sử dụng văn phòng, do đó các chủ nhà với hợp đồng thuê ngắn hạn sẽ là đối tượng dễ bị thiệt hại nhất.

“Về lâu dài, tình hình dịch bệnh có thể thúc đẩy đầu tư vào các sản phẩm công nghệ giúp nhân viên làm việc từ xa”, JLL nhận định.

Trong các phân khúc bất động sản, JLL cho rằng chỉ thị trường nhà ở là ít chịu tác động nhất bởi Covid-19.

Xu hướng nhà ở với mật độ dân số cao và không gian cộng đồng lớn có khả năng làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên theo JLL, bất động sản nhà ở vẫn là tài sản đầu tư tốt, hưởng lợi từ thu nhập tiền thuê ổn định và khả năng linh hoạt giá thuê để đảm bảo tỷ lệ lấp đầy. Nhu cầu nhà ở vốn ổn định, tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các tác động từ thị trường.

Mặc dù các tác động kinh tế ngắn hạn của COVID-19 đã rõ ràng hơn, nhưng JLL cho rằng không nên bỏ qua các tác động đến xã hội và thị trường bất động sản dài hạn. Đại dịch này sẽ thay đổi cách sống và làm việc của chúng ta, có khả năng tạo ra các mô hình hoạt động mới.

Việc đánh giá tác động trực tiếp của COVID-19 là tương đối dễ thấy – dựa trên số sự kiện bị hủy bỏ, các văn phòng và nhà máy tạm đóng cửa, lệnh cách ly và hạn chế đi lại - những tác động gián tiếp vẫn chưa được thể hiện đầy đủ.

Nguyễn Mạnh