Bất động sản vay vốn của những ngân hàng nào nhiều nhất trong năm 2024?

Bất động sản "ăn" vốn nhiều từ các ngân hàng Techcombank, VpBank và SHB

Theo nhiều chuyên gia, 2 yếu tố đầu vào quan trọng bậc nhất của thị trường bất động sản là đất và nguồn vốn. Từ 1/8/2024, 3 bộ luật: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2024 chính thức có hiệu đã khơi thông pháp lý hơn nhiều. Vậy, nguồn vốn cho bất động sản trong năm 2024 ra sao?

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính tới ngày 25/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 15,4 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế 2024 đạt 13,82%, cao hơn mức 11,48% của năm 2023, nhưng vẫn cách mục tiêu cả năm 2024 (15%) hơn 1%.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng bất động sản cả năm 2024. Song, với tỷ trọng khoảng 21 - 22% tổng dư nợ nền kinh tế thì tín dụng bất động sản năm 2024 ước đạt 3,3 - 3,4 triệu tỷ đồng.

Ghi nhận của Dân Việt từ báo cáo tài chính quý 4/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản của 13 ngân hàng hạch toán chi tiết khoản mục cho vay kinh doanh bất động sản đạt 724.230 tỷ đồng, tăng 37,4% so với cuối năm 2023.

Trong đó, có 12/13 ngân hàng ghi nhận dư nợ cho vay bất động sản tăng và chỉ có duy nhất ngân hàng LPBank ghi nhận giảm hơn 27%.

Tín dụng bất động sản tăng trưởng mạnh, xuất hiện ngân hàng tăng bằng lần

Theo Dân Việt ghi nhận, trong năm 2024, bất động sản vay được nhiều vốn nhất từ ngân hàng Techcombank, với dư nợ hơn 187.100 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2023. Đây cũng là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn nhất trong tổng dư nợ tính theo danh sách 13 ngân hàng nêu trên (30,88%).

Đứng thứ 2, trong năm 2024, bất động sản cũng vay được 186.736 tỷ đồng từ ngân hàng VPBank, tăng 62,5% so với cuối năm 2023; chiếm gần 27% tổng số tiền cho vay khách hàng.

Bất động sản "ăn" vốn nhiều thứ 3 là từ ngân hàng SHB trong năm 2024 với dư nợ đạt 122.977 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cuối năm 2023 và chiếm 23,6% tổng dư nợ.

Tiếp đó, Dân Việt cũng ghi nhận, năm 2024 bất động sản "ăn" vốn nhiều từ một số ngân hàng khác với số lượng từ trên 50.000 tỷ đồng: HDBank và MBBank. Cụ thể, dư nợ bất động sản tại HDBank có 68.291 tỷ đồng, tăng 17,2% so với 2023, chiếm 15,4% tổng dư nợ. MBBank cho vay kinh doanh bất động sản 55.082 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cuối năm 2023, chiếm 7,85% tổng dư nợ.

Ngoài ra, bất động sản cũng vay được nhiều vốn từ một số ngân hàng như: VietBank, BVBank, LPBank, TPBank và MSB từ trên 10.000 tỷ đồng. Còn lại các ngân hàng khác như Kienlongbank, PGBank và VIB cho vay kinh doanh bất động sản ở mức thấp, dưới 10.000 tỷ đồng.

Xét về tốc độ tăng trưởng dư nợ, Kienlongbank ghi nhận mức tăng dự nợ tín dụng bất động sản tới gần 315% so với cuối năm 2023 (gấp hơn 4 lần), đưa dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản từ 2.195 tỷ lên hơn 9.108 tỷ đồng, chiếm gần 15% tổng dư nợ cho vay.

Ngoài Kienlongbank, VIB cũng đẩy mạnh cho vay bất động sản trong năm 2024 với tốc độ tăng trưởng hơn 240% (tương ứng gấp hơn 3,5 lần), nâng dự nợ cho vay bất động sản tăng từ 1.673 tỷ đồng lên 5.695 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay bất động sản chỉ hơn 1% dư nợ tín dụng của toàn ngân hàng.

Nhìn vào giai đoạn 2020 tới nay, dữ liệu từ các báo cáo tài chính được ngân hàng công bố trên website cho thấy, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản tại Techcombank đã tăng gần gấp đôi, từ hơn 95.600 tỷ đồng cuối năm 2021 lên 187.100 tỷ đồng cuối năm 2024. Dư nợ lĩnh vực này tại SHB cũng tăng trưởng thần tốc, gấp hơn 5 lần chỉ sau 3 năm.

Ở chiều ngược lại, LPBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận giảm dư nợ cho vay ở lĩnh vực này với tỷ lệ giảm 27,5% so với năm 2023, xuống còn 10.136 tỷ đồng.

Xét về tỷ trọng, tín dụng bất động sản đóng vai trò hết sức quan trọng trong cấu trúc tín dụng. Chẳng hạn như tại Techcombank khi dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản chiếm gần 31% tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng cho vay khách hàng doanh nghiệp và tín dụng cho vay mua nhà ở mức cao với cho vay khách hàng cá nhân.

Tại VPBank, dư nợ cho vay bất động sản chiếm gần 27% tổng dư nợ. Một số ngân hàng khác có tỷ trọng cho vay bất động sản ở mức cao có thể kể đến như: SHB (23,66%), VietBank (18,4%), BVBank (16,8%), HDBank ( 15,4%),....

Các số liệu nêu trên chưa tính đến các khoản cho vay "ẩn mình" dưới dạng phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở, xây dựng hay cải tạo nhà ở.

Tính chung toàn ngành, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm ngoái và cao hơn 0,15% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.

Kiểm soát rủi ro nhưng cần khéo nắn dòng tiền

Trong bối cảnh tín dụng bất động sản tăng thần tốc trong 2 - 3 năm nhưng nguồn cung thì nhỏ giọt, người dân ngại vay mua nhà đã thể hiện bức tranh vốn tín dụng vẫn đổ mạnh vào thị trường, song lại bị "chôn" chặt trong nhiều dự án.

Sau khi bộ 3 bộ luật ảnh hưởng trực tiếp đến bất động sản có hiệu lực sớm đã góp phần hoàn thiện pháp lý trên thị trường bất động sản và đang dần trở thành yếu tố bệ đỡ giúp tháo gỡ nhiều dự án "đắp chiếu" đưa thị trường dần hồi phục.

Trong tọa đàm "Bất động sản năm 2025: Tìm cơ hội trong thách thức", ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết: Ngân hàng luôn hỗ trợ nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

"Trong bối cảnh nào, kể cả ngành bất động sản khó khăn nhất, thời kỳ các doanh nghiệp bất động sản gần như không còn cơ hội để phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực này vẫn ở mức cao, nhưng nhiều doanh nghiệp, dự án vẫn đói vốn và chưa thể tiếp cận được dòng vốn này", ông Hùng nhìn nhận.

Nguyên nhân là do ngân hàng thận trọng cho vay bởi rủi ro nợ xấu. Ông Hùng đặt vấn đề: Nhà đầu tư thấy giá lên thì đổ xô vào mua, nhưng khi giá xuống thì chạy hết, "thoát hàng", mà thoát không được thì chấp nhận để đó, không chỉ doanh nghiệp đọng vốn mà ngân hàng cũng "bị vạ lây" nợ xấu.

Theo ông Hùng, doanh nghiệp bất động sản phải có sự chia sẻ với ngành ngân hàng bởi đến hạn mà doanh nghiệp không trả được nợ vay dẫn đến nợ xấu. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp làm ăn kinh doanh có tiềm lực, đầu tư dự án minh bạch, rõ ràng, những dự án, doanh nghiệp đó sẽ được tiếp cận vốn cho vay thuận lợi.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS chia sẻ: Các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản trên thị trường hiện hay đang sử dụng hơn 50% nguồn vốn tín dụng. Chính vì vậy, nhà nước, các ngân hàng cần phải đưa ra những chính sách tích cực hỗ trợ, hạn chế những chính sách thắt chặt hay kiểm soát tín dụng quá đà.

Đồng thời, ông còn chỉ ra rằng: Dự án thuộc phân khúc cao cấp lại rất dễ dàng tiếp cận vốn. Trong khi có doanh nghiệp cầm hàng nghìn căn hộ đang hoàn thiện và chờ bàn giao nhưng vào thời điểm này, họ lại thiếu vốn, không tiếp cận được tín dụng khiến những sản phẩm này "đóng băng" chờ vốn.