Bất động sản xuất hiện nghịch lý: Cầu giảm vì dịch, giá vẫn bất chấp tăng?

Bất động sản xuất hiện nghịch lý: Cầu giảm vì dịch, giá vẫn bất chấp tăng? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Một số ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 tạo cơ hội mua được bất động sản với giá hợp lý hơn. 

Bất động sản "ngấm đòn" đại dịch

Covid-19 đã tạo ra những mảng tối cho nền kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2020, trong đó có Việt Nam.

Theo CBRE, một số khách thuê văn phòng đã hoãn lại các quyết định thuê mặt bằng, các cửa hàng bán lẻ đang chịu áp lực từ việc sụt giảm đáng kể lượng khách mua sắm, các khách sạn đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu vắng khách và những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, kho vận đang chật vật với các đơn hàng…

Phân khúc nhà ở cũng không hề “miễn dịch” trước đại dịch này. Theo đại diện CBRE, các chủ đầu tư cũng như công ty môi giới buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát.

“Một khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng một lúc, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong nửa cuối năm nay”, CBRE nhận định.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Sức mua chỉ có thể được cải thiện một khi dịch bệnh được ngăn chặn và làn sóng đầu tư mạnh mẽ quay lại thị trường.

Nói với Dân trí, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực bất động sản cũng cho biết, niềm tin đối với thị trường là bất động sản cực kỳ quan trọng. Khi người dân nghĩ về một “tương lai” khó khăn với nền kinh tế suy thoái, thất nghiệp, khó khăn trong thu nhập… sẽ khiến người ta “chùn” lại trước quyết định mua sắm những thứ như nhà cửa. Đặc biệt đối với những người muốn mua bất động sản để ở hoặc đầu tư mà dự định dùng vốn vay ngân hàng.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết những con số khá sốc về thị trường bất động sản hiện nay. Với tác động “kép" từ chính những khó khăn mang tính nội tại của thị trường bất động sản năm vừa qua cùng với cú “bồi” từ dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm sàn giao dịch bất động sản buộc phải đóng cửa.

Ông Đính cho biết, khách hàng tâm lý ngại đến chỗ đông, ngại tiếp xúc với người lạ nên dù có tiền trong thời điểm này họ cũng sẽ cân nhắc. Thêm nữa, họ đang dồn sự quan tâm đến chuyện dịch bệnh ra sao, người nhà họ có bị không, nhu cầu thực phẩm thiết yếu…

Cầu giảm nhưng giá vẫn tăng?

Dữ liệu nghiên cứu trực tuyến của Batdongsan.com.vn cũng đã phản ánh xu hướng giảm của thị trường. Theo con số trang này đưa ra, thị trường bất động sản ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhu cầu tìm kiếm và đầu tư.

Cụ thể, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất của người dùng cả nước trong tháng 2/2020 giảm 14% so với cùng kỳ. Trong đó, TP.HCM ghi nhận nhu cầu tìm mua bất động sản giảm gần 24%.

Nếu so với tháng 1, nhu cầu mua bất động sản có tăng nhưng đây là thời điểm Tết Âm lịch, vốn rất ít giao dịch. Mức tăng của tháng 2 chỉ cho thấy thị trường phần nào đã khởi động trở lại sau đợt nghỉ lễ kéo dài, còn nếu so với cùng kỳ 2019, nhu cầu mua giảm đáng kể.

Cũng theo dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn, tại TP.HCM, chung cư hiện là phân khúc được tìm kiếm nhiều nhất thị trường. Dù vậy, quan tâm vẫn giảm 4,6%, riêng nhà phố giảm tới 35% so với cùng kỳ. Cá biệt loại hình đất nền có mức độ quan tâm giảm gần 50%.

Đáng chú ý theo thống kê của Batdongsan.com.vn, dù xu hướng tìm kiếm bất động sản đang giảm khá mạnh nhưng giá bán nhà đất tại TP.HCM vẫn đang tăng khá cao.

Tính riêng tháng 2/2020, giá căn hộ tại TP.HCM tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019, đạt mức trung bình hơn 44 triệu/m2. Đất nền, nhà phố dù gặp khó khăn trong việc ra hàng nhưng giá bán vẫn đang neo ở mức cao, không có dấu hiệu giảm.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn – chi nhánh HCM lý giải, sự sụt giảm giao dịch đến từ việc nhu cầu mua đầu tư bất động sản giảm mạnh, nhà đầu tư đang ưu tiên giữ tiền để phòng ngừa rủi ro, đây vốn là điều vẫn thường thấy.

"Không chỉ với nhà đất, kể cả các kênh đầu tư khác như chứng khoán, USD, vàng cũng có dấu hiệu chuyển về trạng thái phòng ngự. Điều này tất yếu khiến nhu cầu giao dịch giảm", vị này nhận định.

Bên cạnh đó theo giải thích của vị chuyên gia, nhu cầu tìm mua nhà ở thực tại TP.HCM vẫn đang cao hơn rất nhiều so với lượng sản phẩm chào bán hiện có trên thị trường. Trong khi đó, nhiều đầu tư thứ cấp đang sở hữu căn hộ, nếu không chịu áp lực từ đòn bẩy tài chính, phần lớn vẫn tin tưởng về thanh khoản thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát nên không có ý định giảm giá để kích cầu.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, năm 2019 lực cầu rất tốt, nhu cầu về nhà ở, đầu tư kinh doanh do dòng vốn vào Việt Nam cao, thu nhập bình quân đầu người gia tăng...

“Tôi không ghĩ rằng lực cầu rất tốt này có thể mất đi trong một chốc một lát được. Nhu cầu nhà ở chắc chắn còn tăng vì thực tế nó vẫn chưa được giải quyết tốt trong thời gian qua. Giờ việc cần làm là kiểm soát dịch bệnh thật tốt, tạo niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đầu tư…”, ông Đính tin tưởng rằng khi từng vấn đề được giải quyết thị trường bất động sản sẽ hồi phục.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, dịch Covid-19 tạo cơ hội mua được bất động sản với giá hợp lý hơn, tức là khả năng có thể mua được nhà đất với mức giá rẻ hơn là có thể.

Những người theo quan điểm này, họ cho rằng dịch Covid-19 cùng với những tác động của nó sẽ tạo lập một mặt bằng giá mới. Đây vẫn là cơ hội cho những người có nhu cầu thực. Bởi, đầu tư trong giai đoạn này sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, ít cạnh tranh và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các chủ đầu tư dự án. Những người có nhu cầu ở thực còn có cơ hội để mua được bất động sản với giá cả hợp lý và không sợ bị ảnh hưởng bởi giới đầu cơ hay đầu tư lướt sóng.

Rõ ràng nhận định này hoàn toàn có cơ sở. Dù trong ngắn hạn chưa giảm ngay lập tức, tuy nhiên thị trường sẽ còn nhiều diễn biến. Vẫn còn quá sớm để có thể vẽ lên bố cục bức tranh bất động sản ra sao thời điểm này.

Nguyễn Mạnh