Bất thường đấu giá đất ngoại thành Hà Nội: Bị "bùng" nhưng nhiều nơi vẫn đấu

Chẳng hạn, trong số 68 lô đất đấu giá tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai vào ngày 10/08 vừa qua, chỉ có 13 lô đất trúng đấu giá đã nộp đủ tiền đúng hạn. Đáng chú ý trong số 13 khách hàng đến trả tiền này thì những ô đất này cũng chỉ có giá trúng đấu giá cao nhất là 55 triệu đồng/m2.

Còn lại 55 lô có giá trúng cao, từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/m2 đều người trúng đấu giá bị bỏ cọc.

Tình trạng "bùng cọc" phản ánh rõ nét hoạt động đầu cơ tràn lan trên thị trường đấu giá đất. Nhiều người tham gia với mục tiêu "lướt sóng", kiếm lời nhanh chóng bằng cách đẩy giá lên cao. Khi không đạt được mục đích, họ sẵn sàng bỏ cọc, cho thấy tính rủi ro rất cao trong loại hình đầu tư này.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc bỏ cọc đấu giá đất ở Thanh Oai, cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường, từ đó có thể dẫn đến hành vi thao túng gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Hệ lụy của việc bỏ cọc khiến giá đất xung quanh tăng theo nhưng không đúng với giá trị thực, sẽ tạo ra "sốt đất" giống với nhiều trường hợp trước đây.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết, những phiên đấu giá đất vừa qua tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức có những dấu hiệu bất thường. Trong đó, việc bỏ cọc đấu giá đất ở Thanh Oai sau khi đẩy mặt bằng giá lên cao gây xôn sao thị trường đất vùng ven Hà Nội.

... Bị "bùng" nhưng nhiều nơi vẫn đấu giá đất

Tuy đã xảy ra hiện tượng bỏ cọc nhưng nhiều địa phương khác vẫn tiếp tục thực hiện đấu giá đất, chỉ khác ở chỗ số lượng người tham gia đấu giá các phiên gần đây đã giảm xuống, từ hàng nghìn xuống chỉ còn hàng trăm hồ sơ.

Chẳng hạn như ở các huyện Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Đan Phượng sẽ tổ chức đấu giá đất, với tổng số hơn 160 thửa đất sẽ được đấu giá. Huyện Mỹ Đức tổ chức đấu giá 56 thửa đất tại xã Xuy Xá vào ngày 27/9 tới, huyện Phú Xuyên tổ chức đấu giá 42 thửa đất vào ngày 22/9...

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết: Việc các huyện, tỉnh, thị xã vẫn tiếp tục tổ chức đấu giá đất là vì đó là nhu cầu của thị trường nơi đó. Miễn sao lần này các địa phương thực hiện đúng chuẩn chỉ theo quy định của nhà nước thì sẽ không vấn đề gì. 

"Vạch an toàn"

Theo một số chuyên gia, việc có tới 55 lô đất ở Thanh Oai bị bỏ cọc là do mức giá bị đẩy lên quá cao, những người "lướt sóng" không bán được các lô đất này nên họ chấp nhận "bỏ của chạy lấy người". 

Đáng chú ý, số tiền cọc cũng không quá cao, chỉ khoảng 100 - 200 triệu đồng/lô, nên vẫn rất nhiều người thực hiện cách này để kiếm tiền này vì chỉ cần sang tay 1 - 2 lô đất sau đấu giá là họ đã có thể ăn chênh tới vài trăm đến hàng tỷ đồng.

Ông Đính đề xuất, việc các ô đất trúng đấu giá thì tối thiểu ít nhất từ 2 - 3 năm mới được giao dịch để đảm bảo việc khách hàng trúng đấu giá là những khách hàng có nhu cầu sử dụng đất, chứ không phải là người có nhu cầu đầu cơ.

Điểm đáng chú ý là những phiên đấu giá đất gần đây không còn tình trạng giá tăng thốc như "cơn sốt" ở Thanh Oai, Hoài Đức hồi tháng 8 vừa qua. Nguyên nhân, có thể xuất phát từ tâm lý kẻ lướt sóng, ăn chênh không dám liều nữa.

Ông Đính cũng cho rằng, thời điểm này có thể là cơ hội để những người địa phương, có nhu cầu mua đất đấu giá có thêm sự thuận lợi để có thể đấu giá được, mua được đất với mức giá hợp lý hơn.