Bi hài mua bán “suất ngoại giao“

bds.jpg

Dự án Amber Riversider (622 Minh Khai, Hà Nội) với đủ lời chào mời về suất ngoại giao trong khi chủ đầu tư vẫn còn nhiều căn hộ chưa bán được. Ảnh: Ng.M

 

Hàng “ế” thành suất ngoại giao?

Trên một công cụ tìm kiếm, chỉ cần gõ cụm từ “bán suất ngoại giao căn hộ” hay “bán suất ngoại giao đất nền” lập tức cho ra hàng số lượng lớn kết quả. Tại một trang rao vặt trên mạng, anh Minh Khôi (ở Đống Đa, Hà Nội) rao: “Tôi đang có 3 suất đẹp nhất nhìn thẳng ra hồ Chu Văn An, dự án The Manor Central Park có thể đập thông. Vị trí 3 lô shop house có diện tích 75m2 x 4 tầng, đường trước nhà 50m, hướng Đông Nam rất tốt cho các nhà đầu tư. Giá ngoại giao 16,75 tỷ đồng đã bao gồm xây thô và hoàn thiện nội thất cao cấp, khách hàng ký hợp đồng mua bán trực tiếp với chủ đầu tư”. Liên hệ theo số điện thoại của anh Khôi đăng tin, anh Khôi khẳng định đây là suất ngoại giao dự án của chủ đầu tư Bitexco.

Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư dự án The Manor Central Park cho biết, chủ đầu tư không có suất ngoại giao nào tại dự án bởi giá trị khu này cao, lên tới 17 tỷ đồng/căn. Chủ đầu tư chỉ có chính sách bán hàng ưu đãi cho khách hàng. Những nơi rao có căn ngoại giao là các sàn khác tung chiêu trò bán dự án khác chứ không phải dự án của Bitexco.

Khu liền kề Dahlia Homes của chủ đầu tư Gamuda Land Việt Nam, được nhân viên môi giới quảng bá chiết khấu lên đến 20% nhờ suất ngoại giao. Thậm chí, suất này chỉ phải thanh toán 30% nhận nhà 70% còn lại trả chậm 30 tháng không lãi suất.

Tại dự án chung cư Amber Riversider (622 Minh Khai, Hà Nội) do Cty CP Tập đoàn Telin làm chủ đầu tư với giá bán 33 triệu đồng/m2 nhưng nhan nhản các thông tin bán suất ngoại giao từ môi giới với mức chiết khấu 3- 5%. Dự án dự kiến bàn giao cuối năm nay nhưng hiện tại chính chủ đầu tư cũng chiết khấu lên đến 5,5%, tặng sổ tiết kiệm lên tới 100 triệu đồng…

Trước tình trạng các dự án đua nhau bán “suất ngoại giao”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, đây chính là chiêu trò của những người “câu” khách. Trước đây, trên thị trường, số lượng căn hộ không nhiều, được giới đầu cơ mua đi bán lại với giá được đẩy lên cao, thậm chí người ta phải nhờ vả, tranh cướp và chấp nhận rủi ro mới mua được. Chính vì thế, những “suất ngoại giao”, “phần quan hệ” lại trở thành những thứ được ưa chuộng, dùng để đánh bóng nhằm hút khách và làm giá. Xuất phát từ thực tế đó mới dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”: Hàng đẹp, hàng ế đều chung mác “suất ngoại giao”. Khách hàng nếu chưa kiểm chứng đã vội vàng nộp tiền cho chủ đầu tư sẽ phải chịu thiệt hại.

Ðến chiêu chây ì

 

Một giám đốc doanh nghiệp địa ốc lớn ở Hà Nội chia sẻ, trước khi giới thiệu dự án ra thị trường, đã có một số căn hộ dự án nhà hình thành trong tương lai đẹp được dùng làm suất ngoại giao cho đối tác với mức chiết khấu từ 5 đến 10% giá trị. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng được ưu đãi đều xin nộp tiền chậm hơn so với tiến độ của những người mua khác. “Có những người đến khi dự án xây dựng xong phần hạ tầng rồi nhưng vẫn không chịu nộp tiền, nhưng nhất định không muốn trả lại chủ đầu tư căn hộ. Còn doanh nghiệp thì không thể áp dụng biện pháp phạt chậm nộp hoặc thu hồi lại sản phẩm”, vị này cho biết.

Cũng theo vị giám đốc này, nhiều người mua suất ngoại giao mang thông tin căn hộ để gửi các sàn bất động sản bán lại, kiếm tiền chênh. Tuy nhiên, không ít người lại gửi chính đơn vị kinh doanh của chủ đầu tư bán. “Khi đó, nhân viên của chúng tôi lại mải đi bán suất ngoại giao do có giá ưu đãi hơn, cạnh tranh với những sản phẩm của chính chủ đầu tư, tạo ra sự nhiễu loạn trên thị trường. Người mua thì cho rằng, chủ đầu tư đang tạo chiêu trò để cắt lỗ, họ cứ chờ giảm thêm mới mua”, đại diện doanh nghiệp cho hay.

Theo chủ một dự án tại quận Thanh Xuân, một số suất ngoại giao chủ đầu tư nhận được tiền đặt cọc hoặc tiền mua căn hộ của khách nhưng một thời gian sau, chính khách hàng lại xin trả lại suất ngoại giao và đòi lại tiền đã nộp. “Ban đầu họ dùng đủ các mối quan hệ để mua bằng được một căn suất ngoại giao, sau này lại năn nỉ để xin trả lại và rút tiền. Đơn giản là họ rao bán một thời gian với giá chênh cao nhưng không được. Với những trường hợp này, dù không muốn nhưng chúng tôi cũng phải nhận lại nhà và trả lại tiền”, chủ đầu tư một dự án lớn nói.

Trường hợp khác, khách hàng cũng nhờ các mối quan hệ để mua căn ngoại giao tại một dự án. Tuy nhiên, khi nhận thấy việc bán lại căn hộ gặp khó khăn, khách đến gặp ban lãnh đạo của chủ đầu tư xin rút lại tiền, song bị từ chối do dự án đã gần ngày bàn giao. Khi đó, chủ nhân căn hộ lại tung những thông tin bất lợi, xúi giục những khách hàng khác gây khó dễ cho chủ đầu tư.

Một giám đốc sàn bất động sản chia sẻ, trước kia, khi thông tin dự án còn chưa minh bạch, người mua luôn có tâm lý rằng, suất ngoại giao có giá rẻ hơn, được hỗ trợ về tiến độ thu tiền. Còn hiện nay, suất ngoại giao lại gây bất lợi cho người mua, vì càng về sau, địa ốc càng ế. 

Theo Ngọc Mai
Tiền Phong

bannerchan-bai.gif