Bị hủy đấu giá, hơn 20ha “đất vàng” ở TP Ninh Bình tiếp tục bị bỏ hoang
Bất ngờ hủy đấu giá khu “đất vàng”
Mới đây, UBND thành phố Ninh Bình có quyết định về việc tổ chức bán đấu giá 60 lô đất tại phường Đông Thành (phía Đông Nhà thi đấu Thể dục – Thể thao Ninh Bình). Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Ninh Bình) được giao đứng ra tổ chức đấu giá.
Từ ngày 27/4/2020, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Ninh Bình có thông báo về việc tổ chức đấu giá tài sản là quyền sử dụng 60 lô đất nói trên. Thời gian mở bán hồ sơ từ ngày 28/4 – 27/5/2020, thời gian tổ chức đấu giá diễn ra vào ngày 30/5/2020.
Cũng theo thông báo, 60 lô đất được tổ chức đấu giá, mỗi mét vuông đất tại đây tùy vào vị trí, diện tích có giá khởi điểm thấp nhất là 20 triệu đồng/m2, cao nhất lên đến 39 triệu đồng/m2. Khách hàng sau khi mua hồ sơ, phải bỏ ra số tiền (tùy từng lô đất) là 1 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng để được tham gia đấu giá.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, khu đất được Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Ninh Bình tổ chức đấu giá này từ nhiều năm qua được xem là khu “đất vàng” ở thành phố Ninh Bình. Tổng quy hoạch khu đất có diện tích rộng 28ha, trong đó 24ha (chia thành 60 lô) đấu giá bán để xây dựng khu đô thị mới, còn lại là để làm công viên cây xanh cho khu dân cư.
Toàn bộ diện tích khu đất này đều đã được xây dựng đường giao thông, vỉa hè, hệ thống cống thoát nước rộng rãi, khang trang và hiện đại. Khu đất này nằm ở vị trí thuận lợi (phía Bắc giáp quảng trường Đinh Tiên Hoàng, phía Tây giáp nhà thi đấu tỉnh, phía Đông giáp đường Bái Đính – Kim Sơn, phía Nam giáp QL10 gần cầu Non nước); gần trung tâm chính trị của tỉnh Ninh Bình.
Vì thế rất nhiều người muốn được sở hữu một lô đất tại đây. Một người dân cho biết, sau khi có thông báo bán đấu giá các lô đất trên đã xem xét bản đồ vị trí phù hợp, sau đó đến nộp tiền mua hồ sơ, chuẩn bị tiền đặt cọc để tham gia đấu giá.
Điều bất ngờ đã xảy ra, khi chưa đến ngày cuối cùng mở bán hồ sơ đấu giá, cũng như cách thời gian tổ chức đấu giá gần chục ngày, ngày 21/5/2020 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Ninh Bình đã bất ngờ ra thông báo tạm dừng cuộc đấu giá và trả lại tiền mua hồ sơ cho khách hàng. Điều này khiến nhiều người ngỡ ngàng và rất bức xúc.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lã Khắc Khánh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Ninh Bình cho biết, đơn vị mới bán hồ sơ cho khách hàng, chưa thu tiền đặt cọc.
"Sau khi UBND tỉnh và thành phố có văn bản thông báo dừng thì chúng tôi dừng và hoàn lại tiền bán hồ sơ cho khách hàng", ông Khánh nói.
Về lý do dừng tổ chức đấu giá, ông Khánh giới thiệu phóng viên liên hệ bên UBND thành phố Ninh Bình đơn vị có tài sản để biết rõ, vì đất này là do UBND thành phố Ninh Bình quản lý.
Ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết, thành phố nhận được chỉ đạo từ tỉnh về việc dừng đấu giá khu đất nên cũng đã thông báo để Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản dừng tổ chức.
Chưa biết bị bỏ hoang đến bao giờ?
Được biết, trước đó khu “đất vàng” này cũng đã được UBND thành phố Ninh Bình tổ chức đấu giá bán vào năm 2009. Việc đấu giá đã diễn ra, nhiều người dân trúng đấu giá. Tuy nhiên, sau đó UBND thành phố Ninh Bình đã thông báo hủy kết quả đấu giá khiến hàng chục người dân ngỡ ngàng, bức xúc khi không được biết rõ lý do tại sao?.
Đến nay, sau hơn 10 năm bị bỏ hoang, UBND thành phố Ninh Bình tiếp tục tổ chức đấu giá bán, cuộc đấu giá chưa được diễn ra thì lại tiếp tục dừng lại.
Số phận “trôi nổi” của khu “đất vàng” ở thành phố Ninh Bình đến nay vẫn chưa được định đoạt. Điều này khiến dư luận rất quan tâm và đặt nhiều nghi vấn cần được làm rõ về các lý do vì sao đến nay khu đất này vẫn chưa thể bán.
Bởi trước đó, để xây dựng mặt bằng khu đất này, năm 2008 UBND thành phố Ninh Bình có quyết định thu hồi đất, bồi thường GPMB bằng khu đất với tổng kinh phí bồi thường của dự án trên 10,3 tỷ đồng, trong đó bồi thường và hỗ trợ đất đai trên 7,2 tỷ đồng. Năm 2009, UBND thành phố Ninh Bình tiếp tục có quyết định thu hồi thêm đất (bổ sung) để bồi thường GPMB thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị tại đây.
Thu hồi, đền bù GPMB xong, UBND thành phố Ninh Bình triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: Xây dựng đường giao thông, vỉa hè, cống thoát nước… với số tiền không hề nhỏ. Đến nay, hơn 10 năm toàn bộ số tiền đầu tư vào khu đất này vẫn chưa thể thu hồi. Ngược lại, cơ sở hạ tầng tại đây hiện nay đã bắt đầu xuống cấp, hư hại… khiến người dân không khỏi xót xa và đặt câu hỏi: Khu “đất vàng” chưa biết bị bỏ hoang đến bao giờ?.
Thái Bá