'Bí quyết' trồng thanh nhãn thu lãi hơn nửa tỉ đồng mỗi năm
Tìm hiểu thất bại của người đi trước để không vấp phải
Dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh nhãn rộng 5 ha với 2.000 gốc, ông Triều hào hứng chia sẻ kinh nghiệm và tâm huyết của mình đối với cây trồng này. Ông có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn phát triển của cây, thay phân bón hóa học bằng phân hữu cơ, sinh học; đặc biệt là dùng chế phẩm vi sinh để tăng sức đề kháng cho cây, nhất là vấn đề phèn trong đất.
Ông Triều tốt nghiệp đại học ngành luật và có thời gian công tác trong ngành tòa án, sau đó chuyển sang làm thủy sản. Khi ngành thủy sản gặp khó khăn, ông về làm vườn. Với khu đất của gia đình ở H.Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ), ông đầu tư trồng thanh nhãn . "Ban đầu, tôi loay hoay chưa biết trồng cây gì. Tình cờ, trong lần đi tham quan các mô hình nông nghiệp tiêu biểu ở miền Tây, tôi ấn tượng với vườn thanh nhãn tại Bạc Liêu, vì tiềm năng kinh tế cao, thị trường ưa chuộng. Thế là tôi quyết định trồng cây này", ông Triều kể.
Năm 2019, ông Triều trồng 1.500 gốc thanh nhãn trên diện tích 3 ha. Ông chọn trồng cây được ghép từ gốc nhãn long tiêu đường (nguồn gốc cây nhãn thiên nhiên - PV), thay vì trồng từ thanh nhãn chiết cành. Nhờ cách làm này, cây hạn chế thấp nhất bệnh chổi rồng. Sau đó, ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 2 ha với 500 gốc.
"Trong thời gian trồng thanh nhãn , tôi học được nhiều kinh nghiệm quý. Tôi không tìm hiểu bí quyết thành công mà tìm hiểu kỹ về những thất bại của các nhà vườn. Bởi vì, để có thành công, các chủ vườn phải mất nhiều năm rút ra kinh nghiệm từ chính thất bại họ gặp phải trong quá trình canh tác", ông Triều chia sẻ.
Canh tác theo hướng an toàn, thân thiện môi trường
Theo ông Triều, thanh nhãn trồng từ khi ghép đến khi ra trái, cho thu hoạch mất gần 30 tháng. Dù thời gian dài nhưng cây được thừa hưởng những đặc tính tốt của nhãn rừng nên có sức sống bền bỉ, hạn chế sâu bệnh. Cây sai trái, trái to, cơm dày, ráo, vị ngọt thanh, đạt chuẩn xuất khẩu sang nước ngoài.
Đến nay, vườn thanh nhãn của ông Triều đã cho thu hoạch được 2 vụ. Ở vụ đầu, ông thu được 16 tấn trái, vụ thứ 2 tăng lên 30 tấn. Giá xuất khẩu khá ổn định, từ 55.000 - 90.000 đồng/kg (tùy thời điểm).
Ông Triều xác định trồng nhãn theo hướng canh tác nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường để đảm bảo chất lượng trái, tăng độ tin cậy với khách hàng. Hiện, vườn nhãn của ông đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc.
Để quản lý vườn từ xa, ông Triều lắp khoảng 20 camera. Thường xuyên theo dõi thời tiết qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh để chăm sóc vườn, lên lịch bón phân, phun xịt chế phẩm sinh học cho cây. Vì canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nên ông phải thuê nhân công cắt cỏ, thay vì phun xịt thuốc diệt cỏ, để không làm ảnh hưởng chất lượng trái.
Mỗi năm, trừ hết chi phí, ông Triều thu lãi triệu 500 triệu đồng từ thanh nhãn . Sắp tới, ông dự định mở rộng thêm diện tích trồng loại cây này.
Ông Bùi Thanh Hiếu, Phó trưởng Phòng NN-PTNT H.Cờ Đỏ, cho biết mô hình trồng thanh nhãn của ông Triều là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương.
Với chất lượng trái to, đồng đều, cơm dày, ngọt thanh nên phần lớn sản lượng thanh nhãn có doanh nghiệp tham gia bao tiêu để xuất khẩu. Trong năm 2024, ngành nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ ông Triều thành lập HTX thanh nhãn để có đầy đủ pháp nhân ký kết các hợp đồng bao tiêu. Bên cạnh đó, vận động các hộ dân trong khu vực nhân rộng mô hình nhằm hình thành vùng nguyên liệu lớn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hỗ trợ ông Triều đăng ký sản phẩm OCOP để góp phần quảng bá thương hiệu trái thanh nhãn đến khách hàng.