Bí Thư Nguyễn Thiện Nhân: "Muốn có đô thị thông minh, phải xây dựng được gia đình hạnh phúc"
Cần phát triển đô thị thông minh
Ngày 5/9, tại TPHCM đã diễn ra Tọa đàm về "Đô thị Thông minh, hướng tới quy hoạch và phát triển Khu Đô thị Sáng tạo Tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh”.
Theo Ban tổ chức, thế giới giờ đây là ngôi nhà chung của 7,7 tỉ người. Báo cáo của Liên Hợp Quốc vừa công bố tháng 7/2019 cũng cho rằng, con số này sẽ tăng lên thành 9,7 tỉ người vào năm 2050. Tốc độ đô thị hóa hiện nay nhiều khả năng sẽ dẫn đến 70% dân số thế giới sống trong các thành phố vào năm 2050. Do đó các thành phố trên thế giới đang đứng trước sức ép buộc phải trở nên thông minh và sáng tạo hơn.
Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Bởi, dân số nước ta tính đến thàng 4/2019 đã đạt 96,2 triệu người. Trong đó, TPHCM là nơi có mật độ dân số đông nhất cả nước, đạt 4.363 người/km2.
Vấn đề đặt ra là lãnh đạo TPHCM sẽ định hướng như thế nào nhằm có sự lựa chọn tối ưu để giải quyết những phát sinh trong đời sống của người dân tại các đô thị như: tắc đường, ngập nước, ô nhiễm, sử dụng năng lượng hiệu quả, đảm bảo an toàn xã hội….
Bà Lương Thu Anh, Trưởng Phòng khu trung tâm, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM cho rằng, Thành phố nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, trung tâm kinh tế của ASEAN. Theo đó, có nhiều động lực để phát triển thành phố.
TPHCM có năng suất lao động gấp 3 lần các thành phố khác, thị trường năng động với sự hoạt động của rất nhiều doanh nghiệp, cũng như có sức hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư…
“TPHCM rất linh hoạt trong đổi mới đầu tư. Mục tiêu đặt ra là trong 10 năm tới, thành phố sẽ duy trì tốc độ phát triền kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững mức độ đóng góp 30% ngân sách quốc gia, trở thành thành phố xanh. Kế hoạch giai đoạn từ năm 2016 – 2025, TPHCM sẽ có 7 chương trình đột phá về kinh tế xã hội”, bà Anh nói.
Bà Thu Anh cũng cho biết, TPHCM dự kiến sẽ xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo tương tác cao ở Khu vực phía Đông gồm: trung tâm dữ liệu; khu sáng tạo tập trung vào vườn ươm doanh nghiệp; trung tâm nghiên cứu, kết nối với quốc tế; khu vực sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao; khu nhà ở, khu nghỉ dưỡng, khu vực giải trí, sinh hoạt cộng đồng, khu vực bảo tồn thiên nhiên…
Riêng về nhà ở phải có giá trung bình để mọi người có thể tiếp cận. Ngoài ra, y tế, giáo dục trong khu vực này cũng phải tốt hơn, giúp nâng cao ý thức cộng đồng. Mặt khác, việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh cũng cần phải đi đôi với bảo vệ môi trường như: đảm bảo nguồn nước sạch, quản lý được rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường….
Lấy con người làm trung tâm
Đối với việc phát triển đô thị thông minh, tại buổi tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phải lấy con người là trung tâm.
Lý giải điều này, ông Nhân đưa ra ví dụ, cách đây 54 năm Singapore chỉ là một đất nước nghèo nhưng bây giờ với dân số là 5,4 triệu người (đứng thứ 114 trên thế giới) quốc gia này lại có nền kinh tế phát triển vượt bậc. GDP đầu người của Singapore là 63500 đô la, đứng thứ 9 thế giới.
Chưa hết, bên cạnh việc là 1 trong 10 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, Singapore còn có chỉ số phát triển thứ 9 trên thế giới. Qua đó, có thể thấy rằng nhân tổ con người là rất quan trọng. Cho nên phát triển đô thị thông minh cần phải chú trọng phát triển con người, lấy con người là trung tâm.
Tuy nhiên, theo Bí thư Nhân, hiện Singapore có vấn đề chưa giải quyết được trong suốt 30 năm, đó là người phụ nữ “lười” sinh con. Tỉ lệ sinh con bình quân mỗi người phụ nữ Singapore chỉ có 1,2%.
Bí thư Nhân cho rằng, để đất nước phát triển bền vững thì tỉ lệ sinh bình quân là 2 con/1 phụ nữ (tỉ suất sinh thay thế). Vì xây dựng đô thị thông minh không chỉ vì con người mà còn vì gia đình. Do đó, mỗi gia đình phải có đủ 2 con và đảm bảo được hạnh phúc thì thành phố thông minh mới phát triển lâu dài được.
“Việt Nam đã duy trì suất sinh là từ 2 – 2,9% trong suốt 18 năm qua. Đến nay, Việt Nam cũng đã có hệ thống trường mầm non, 98% trẻ em dưới 5 tuổi đi học mầm non, 90% dân số có bảo hiểm y tế… nhưng nhiều người vẫn chưa có nhà. Xây dựng đô thị vì con người, vì sự phát triển của đất nước. Nhưng nếu mỗi người phụ nữ không sinh được 2 con thì đất nước ngày càng “teo” lại”, Bí thư Nhân nói.
Đồng quan điểm với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, ông Yang Yoon Jea, Cựu Phó Thị trưởng Seoul (Hàn Quốc) giai đoạn 2004 – 2005 cho rằng, để xây dựng đô thị thông minh, TPHCM phải lấy con người làm trọng tâm, phải xây dựng được những gia đình hạnh phúc.
Được biết, liên quan tới tỉ lệ sinh nở trung bình mà Bí thư Nhân đã nhấn mạnh, hiện phía Hàn Quốc cũng đang “đau đầu” vì tỉ lệ này khi chưa được 1%. Do đó, thời gian tới, Hàn Quốc cũng chú trọng lấy việc phát triển con người làm trọng tâm.
Quế Sơn