Bỏ cọc đấu giá đất ở huyện Thanh Oai không phải việc hy hữu, cần xử lý dấu hiệu bất thường

Đẩy giá ảo rồi bỏ cọc đấu giá đất ở huyện Thanh Oai

Phiên đấu giá đất huyện Thanh Oai ngày 10/8 đã tạo nên "cơn sốt" cho thị trường đất đầu giá vùng ven Hà Nội năm 2024. Sức nóng và mức độ quan tâm của giới bất động sản xuyên suốt từ thời điểm trước khi diễn ra phiên đấu giá cho đến khi xuất hiện tình trạng bỏ cọc đấu giá đất với 55 thửa tại đây.

Cụ thể, phiên đấu giá đất ngày 10/8 ghi nhận số lượng kỷ lục trên 4.200 hồ sơ với hơn 1.500 người tham gia. 

Trong đó, lô đất được trả giá cao nhất có giá lên tới 100,5 triệu đồng/m2 và thấp nhất cũng lên tới gần 52 triệu đồng/m2. Mức giá trên đều gấp từ 5 đến 8 lần so với giá khởi điểm từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2. So với mặt bằng giá trong khu vực huyện Thanh Oai cũng cao gấp 2 - 3 lần.

Kết thúc phiên, khu vực đất đấu giá xuất hiện hàng loạt môi giới bất động sản với những bảng quảng cáo, giới thiệu để gây chú ý. Nhiều thửa đất đã được sang tay vài ba lần, nhưng chủ yếu là những thửa có giá trúng trên dưới 60 triệu đồng/m2, diện tích nhỏ nên tổng giá trị không quá cao. 

Dù giá trúng cao, nhưng nhiều thửa đất đã được chào bán với mức chênh từ 200 - 500 triệu đồng, thậm chí đỉnh điểm lên tới 800 triệu đồng/lô.

Đáng chú ý, trong danh sách trúng đấu giá phần lớn đến từ các quận, huyện và các tỉnh khác. Và chỉ có 2 trên tổng số 68 trường hợp trúng đấu giá là người huyện Thanh Oai.

Nhiều người dân sinh sống tại huyện Thanh Oai đều nhận định với những mức giá trúng cao như vậy thì các thửa đất rất khó bán. Những việc mua đi bán lại chủ yếu sẽ là giữa nhóm đầu cơ, môi giới bất động sản với nhau.

Ngày 16/9, trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai xác nhận có tình trạng bỏ cọc đấu giá đất tại phiên ngày 10/8. Theo đó, có tới 55 lô đất bỏ cọc trong số 68 lô trúng đấu giá, bao gồm cả lô trúng giá 100,5 triệu đồng/m2. Trong số 13 lô đất nộp đủ tiền, giá cao nhất chỉ là hơn 55 triệu đồng/m2.

Bỏ cọc đấu giá đất gây bất ổn cho thị trường bất động sản

Nhiều chuyên gia nhận định, việc bỏ cọc đấu giá đất ở Thanh Oai, cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường, từ đó có thể dẫn đến hành vi thao túng gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Hệ lụy của việc bỏ cọc khiến giá đất xung quanh tăng theo nhưng không đúng với giá trị thực, sẽ tạo ra "sốt đất" giống với nhiều trường hợp trước đây.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết, những phiên đấu giá đất vừa qua tại Thanh Oai, Hoài Đức có những dấu hiệu bất thường. Trong đó, việc bỏ cọc đấu giá đất ở Thanh Oai sau khi đẩy mặt bằng giá lên cao gây náo loạn thị trường đất vùng ven Hà Nội.

"Việc đấu giá cao rồi bỏ cọc vừa qua không thể là chuyện hy hữu mà do do có tính toán từ một nhóm lợi ích. Mục đích thông qua đấu giá để tạo mặt bằng giá mới cao hơn trước và khiến thị trường đất nền khu vực phát sốt. Điều này sẽ có lợi cho nhóm người đang giữ đất trong thời gian trước", ông Thịnh nói.

Để hoạt động đấu giá diễn ra minh bạch, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kiến nghị Nhà nước cần sớm có thêm cơ chế kiểm soát hoạt động đầu cơ. Bằng cách áp thuế, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh, yếu tố tài sản tích lũy sẽ giảm đi.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, mức thuế bất động sản có thể nâng cao dần với giao dịch bất động sản mà người bán có thời gian nắm giữ ngắn hay nếu chủ sở hữu không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, không triển khai xây dựng sau khi nhận đất… Việc này sẽ hạn chế các bất cập trong việc mua đi bán lại đất đấu giá, từ đó, giảm tình trạng đẩy giá rồi bỏ cọc.

"Việc đánh thuế bất động sản đúng hướng sẽ hạn chế động lực đầu cơ bất động sản bởi cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc sở hữu bất động sản đầu cơ trở nên rủi ro hơn. Mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch, hay tạo cung cầu ảo để thổi giá bất động sản dần trở nên vô nghĩa", ông Đính chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho rằng, việc trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm rồi bỏ cọc là một vấn đề cần xem xét lại toàn bộ quy trình. Qua thực tế kiểm tra tại các địa phương, cơ quan sẽ đề xuất sửa đổi hoặc bổ sung các văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh, bảo đảm sự minh bạch và ổn định của thị trường.