Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Pháp luật không quy định “phạt cho tồn tại”

Trong buổi họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nêu một thực trạng đáng buồn trong quản lý xây dựng. Theo ông Tuý, lúc nào nghe báo cáo cũng an toàn nhưng kiểm tra thực tế thì lo ngại. Bây giờ đến chung cư, nhà cao tầng cũng sợ lắm, bao nhiêu cơ quan thẩm định nhưng cứ khi cháy là không chữa được.

"Nhiều khu đô thị khi xin cấp phép cũng bàn nhưng vẫn sinh ra những khu đô thị ngập nước, khu đô thị không có đường, rồi đủ thứ vi phạm. Cứ tình trạng như thế này thì không biết 5-7 năm nữa các đô thị của chúng ta có hiện trạng giao thông thế nào", ông Túy nêu. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Pháp luật không quy định “phạt cho tồn tại” - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Công trình tại số 2 Ngõ Giếng xây dựng sai phép cả về mật độ xây dựng lẫn chiều cao từ các tầng hầm đến các tầng sàn và liên tục tìm cách điều chỉnh phương án kiến trúc nhưng tới nay vẫn chình ình giữa Thủ đô. 

Về việc cấp phép và quản lý trật tự xây dựng, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phản ánh băn khoăn của người dân, khi công trình người dân xin phép thì vô cùng khó khăn, nhưng có những công trình lớn vi phạm lại ngang nhiên tồn tại.

Theo bà Hải, người dân tâm tư, băn khoăn, mất lòng tin, không hiểu tại sao lại như vậy. Có hiện tượng mà nhiều đại biểu đã nêu là tình trạng phạt cho tồn tại.

“Tôi cũng mong muốn trong luật này đưa ra nguyên tắc, không để phạt cho tồn tại. Phạt theo quy định rồi thì phải xử lý, phải cắt, thậm chí tháo dỡ, phá bỏ nếu nó ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, bà Hải đề nghị.

Cùng mối băn khoăn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga viện dẫn báo cáo khẳng định “tình hình vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm qua các năm”, nhưng 2018 lại không nói giảm bao nhiêu phần trăm, lại nêu con số về các công trình kiểm tra được, vậy không rõ có giảm không?

Uỷ ban Tư pháp nhận định, có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong một thời gian dài nhưng cho tồn tại và không được phát hiện. Cho đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp. Vậy có bao nhiêu chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm và có bao nhiêu trường hợp tiếp tay cho sai phạm?

“Đề nghị Bộ Xây dựng nêu rõ tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua ở mức độ nào? Công trình xây dựng không phép và sai phép mức độ ra sao? Những vi phạm đó có đúng như ở một số thành phố và một số vụ án đã khởi tố trong thời gian qua?”, bà Nga nói. 

Ngoài ra, theo bà Nga, không phải chỉ ở Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà còn có cả trách nhiệm của các địa phương. Trong lĩnh vực xây dựng thì chỉ đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà dân là có người đến ngay. Thế nhưng với những công trình lớn như các đại biểu nói thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu?

“Thẩm quyền có nhưng trách nhiệm bây giờ như thế nào? Chúng tôi đề nghị nói rõ trong báo cáo tổng kết về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các chủ thể. Trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương”, bà Nga nêu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Pháp luật không quy định “phạt cho tồn tại” - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, pháp luật không quy định “phạt cho tồn tại” nữa. 

Giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, tất cả những tồn tại, hạn chế mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là hoàn toàn xác đáng.

Tuy nhiên, lần sửa đổi này, Chính phủ muốn hướng tới việc cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, cụ thể là vấn đề thẩm định dự án và cấp phép, bởi quy định hiện hành đang ách tắc trong hai khâu này.

Liên quan tới các sai phạm, theo Bộ trưởng Hà, lĩnh vực này đã được quy định trong Luật Thanh tra, Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Bộ Xây dựng chỉ tổ chức thực hiện luật, còn những sai phạm cụ thể như vụ việc thanh tra Bộ Xây dựng vừa rồi thì “xử lý nghiêm theo quy định”.

Còn vấn đề phạt cho tồn tại mà đại biểu nêu, ông Hà viện dẫn Nghị định 139 của Chính phủ, từ 1/1/2018, các công trình sai phép, không phép phải khôi phục theo đúng quyết định chứ không có chuyện “phạt cho tồn tại” nữa.

Gần đây, dư luận đặt nhiều vấn đề liên quan tới việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án xây dựng tòa nhà thương mại, dịch vụ và khách sạn (số 2 Ngõ Giếng, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) do Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Ngôi nhà mới (gọi tắt Công ty Ngôi Nhà mới) làm chủ đầu tư. Bởi, sau khi quá thời gian chủ đầu tư tự khắc phục, phá dỡ phần sai phạm theo quyết định xử phạt hành chính đã ban hành, UBND quận Đống Đa lại tiếp tục ban hành thêm quyết định xử phạt hành chính khác, theo đó, chủ đầu tư công trình số 2 Ngõ Giếng có thêm thời gian 60 ngày xin hợp thức sai phạm.

Cụ thể, ngày 21/6, UBND quận Đống Đa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Ngôi nhà mới – chủ đầu tư công trình vi phạm với số tiền 40 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu: Chủ đầu tư phải đình chỉ tuyệt đối công trình, tuyệt đối không để phát sinh thêm vi phạm; Liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng (GPXD) điều chỉnh theo quy định. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính nếu chủ đầu tư chưa được cấp GPXD điều chỉnh thì phải tự khắc phục, phá dỡ phần sai phạm.

Tuy nhiên, đến ngày 3/9/2019, ông Trịnh Hữu Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa tiếp tục ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư dự án số 2 Ngõ Giếng - Công ty Ngôi Nhà mới với số tiền là 50 triệu đồng. Đồng thời, ãnh đạo UBND quận Đống Đa cũng yêu cầu: Chủ đầu tư phải đình chỉ thi công, tuyệt đối không phát sinh thêm vi phạm trật tự xây dựng; Liên hệ với các cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn cấp GPXD điều chỉnh theo quy định; Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, nếu chủ đầu tư chưa được cấp GPXD điều chỉnh thì phải tự khắc phục, phá vỡ bộ phận vi phạm.

Theo Trần Kháng

Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Pháp luật không quy định “phạt cho tồn tại” - 3

Nhấn để phóng to ảnh