Bộ trưởng GTVT: Mốc hoàn thành cao tốc Bắc-Nam vào cuối năm 2025 không thay đổi

Các dự án đạt hơn 60% sản lượng giá trị hợp đồng

Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 dài 721,2km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần độc lập, gồm 25 gói thầu xây lắp. Ngày 1/1/2023 đã khởi công 14 gói thầu đầu tiên; 11 gói thầu còn lại khởi công từ ngày 15/1-19/2/2023.

Bộ trưởng GTVT: Mốc hoàn thành cao tốc Bắc-Nam vào cuối năm 2025 không thay đổi - Ảnh 1

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện các Dự án cao tốc Bắc-Nam đạt hơn 60% sản lượng giá trị hợp đồng. TRong ảnh là một số đoạn cao tốc Vân Phong- Nha Trang đang thảm nhựa.

Tính đến nay, sản lượng thực hiện các dự án khoảng 58.721 tỷ đồng đạt 60,8% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Một số dự án có sản lượng và tiến độ thi công tốt như: Bãi Vọt-Hàm Nghi; Vũng Áng-Bùng; Bùng-Vạn Ninh; Chí Thạnh-Vân Phong và Vân Phong-Nha Trang. Một số dự án sản lượng thực hiện còn thấp, do mới được bàn giao đủ mặt bằng, điều kiện thời tiết bất lợi (Dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn), hoặc mới cơ bản xác định đủ nguồn cung vật liệu đắp nền đường (Dự án cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang-Cà Mau).

Theo báo cáo, hiện tổng số vốn đã được giao trong kế hoạch hàng năm cho các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 là 93.630 tỷ đồng (năm 2022 là 9.521 tỷ đồng; năm 2023 là 47.881 tỷ đồng, năm 2024 là 36.228 tỷ đồng).

Tính riêng năm 2024, các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đã giải ngân được 28.967/36.228 tỷ đồng đạt khoảng 79% kế hoạch giao.

Bộ trưởng GTVT: Mốc hoàn thành cao tốc Bắc-Nam vào cuối năm 2025 không thay đổi - Ảnh 2

Thi công cao tốc Vân Phong- Nha Trang đoạn qua huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Về công tác giải phóng mặt bằng, các dự án cao tốc có mặt bằng đủ điều kiện thi công được khoảng 720,94/721,25km đạt 99,96%; phần mặt bằng còn lại (0,19km) chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp.

Đặc biệt, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (chủ yếu là đường điện cao thế) được các địa phương khẩn trương thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay đã hoàn thành di dời 247/256 vị trí, còn lại 09/256 vị trí đang di dời, trong số đó có 3 vị trí trí đường điện cao thế 220-500kV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nằm trong phạm vi xử lý nền đường đất yếu, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Tiếp tục thi công "3 ca, 4 kíp", đưa dự án về đích đúng tiến độ

Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, với dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, nhu cầu cát còn lại để hoàn thành công tác đắp gia tải đến tháng 12/2024 theo kế hoạch khoảng 3,9 triệu m3, mặc dù đã xác định đủ nguồn cung nhưng công suất khai thác còn hạn chế do các vướng mắc, hiện đạt trung bình 36.000m3/ngày (cát sông 26.000m3/ngày, cát biển 10.000m3/ngày), trong khi nhu cầu khoảng 86.000m3/ngày.

Theo ông Thi, sản lượng thi công toàn dự án đến nay đạt 53%. Các địa phương đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao 100% cho dự án. Hiện, còn 200m thuộc phạm vi tuyến nối tại thành phố Cần Thơ do vướng bãi rác, dự kiến hoàn tất việc di dời trước ngày 31/12.

Bộ trưởng GTVT: Mốc hoàn thành cao tốc Bắc-Nam vào cuối năm 2025 không thay đổi - Ảnh 3

Việc bơm truyền cát làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang được nhà thầu đẩy nhanh thi công .

“Về nguồn vật liệu cát, các địa phương đã hỗ trợ 20 mỏ cát sông và hai mỏ cát biển với tổng trữ lượng khoảng 25 triệu m3. Trong khi đó, nhu cầu của dự án cần khoảng 18,6 triệu m3. Như vậy, nguồn vật liệu cát cơ bản được đảm bảo.

Bên cạnh đó, trong tổng số 117 cầu trên tuyến chính, 45 cầu được các nhà thầu hoàn thành bản mặt cầu. Trong số này, 6 cầu lớn đã thông xe kỹ thuật”, ông Thi cho biết.

Để dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau về đích đúng tiến độ, ông Thi kiến nghị một số địa phương như Cà Mau tập trung tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chấp hành tốt chủ trương, tích cực tham gia giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng thuộc dự án đường cao tốc tại địa bàn cư trú.

Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp cần tháo gỡ các vướng mắc trong việc bổ sung nguồn còn thiếu, hoàn thiện thủ tục cấp mỏ, chấp thuận cho khai thác trở lại đối với các mỏ dừng khai thác trước ngày 15/12/2024 bảo đảm nguồn vật liệu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Cần Thơ-Cà Mau.

Trước đó, tại buổi kiểm tra thực tế hiện trường thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh khẳng định, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu cả nước có 3.000 cao tốc vào năm 2025.

Bộ trưởng GTVT: Mốc hoàn thành cao tốc Bắc-Nam vào cuối năm 2025 không thay đổi - Ảnh 4

Nhà thầu thi công nền đường một Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

“Chủ đầu tư, nhà thầu quyết tâm đưa dự án về đích trước kế hoạch đề ra. Yêu cầu cuối năm 2025 phải xong cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần hoàn thành mục tiêu cả nước 3.000km cao tốc, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục tập trung tối đa nhân lực, thiết bị máy móc để thi công "3 ca, 4 kíp", quyết tâm đưa dự án về đích sớm hơn kế hoạch. Đồng thời, phải lưu ý đặt chất lượng lên hàng đầu”, Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các nhà thầu chủ động tổ chức thi công đồng thời hệ thống đường gom, nút giao, các hạng mục an toàn giao thông, lan can, khe co giãn, lề đường... đảm bảo hoàn thành đồng bộ với tuyến chính.

"Riêng về vật liệu cát và đá, nhà thầu phải chủ động tập kết về công trường, thi công đoạn nào hoàn thành dứt điểm đoạn đó. Đồng thời gấp rút hoàn thành toàn bộ các cầu trên tuyến chính, làm sao 110km cao tốc Cần Thơ - Cà Mau phải thông xe sớm nhất trong năm 2025. Đây chính là nhiệm vụ chính trị rất lớn, tất cả phải đồng tâm hiệp lực để đạt kết quả tốt nhất", ông Minh nêu rõ.

Nhằm hoàn thành mục tiêu 3.000km đường cao tốc vào năm 2025, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng và công suất đáp ứng tiến độ thi công các dự án; xây dựng kế hoạch tổ chức thi công hợp lý, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công , hoàn thành dự án.