Bộ Xây dựng nói gì về lý do ngành xi măng khó thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc xử lý thông tin "Ngành xi măng vẫn chưa giải quyết được bài toán cung - cầu", Bộ Xây dựng mới có báo cáo nêu: Hiện nay, cả nước đầu tư 92 dây chuyền, với tổng công suất trên 122 triệu tấn/năm. 

Tuy nhiên, năm 2024, tổng sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ khoảng chỉ khoảng 95 triệu tấn, trong nước khoảng 65,3 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 29,7 triệu tấn.

Như vậy, các dây chuyền sản xuất xi măng nêu trên chỉ hoạt động trung bình khoảng 77% tổng công suất thiết kế.

Thực tế, từ năm 2011, việc đầu tư sản xuất xi măng thực hiện theo quy hoạch của Thủ tướng về phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2020 và định hướng 2030. 

Theo đó, năm 2015 tiêu thụ 72,7 triệu tấn, bằng 98% so với quy hoạch; năm 2020 tiêu thụ 100,2 triệu tấn/năm, bằng 107% so với quy hoạch.

Nhưng từ năm 2020 đến nay, nguồn cung xi măng tăng lên do Luật Quy hoạch 2017 bãi bỏ 1 điều khoản. Việc này có nghĩa việc đầu tư các dây chuyền xi măng theo cơ chế thị trường và được thực hiện theo pháp luật về đầu tư, thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.

Theo đó, các địa phương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 13 dây chuyền công nghệ hiện đại với tổng công suất thiết kế 35,3 triệu tấn mỗi năm.

Trước tình hình các nhà máy xi măng có xu thế tăng nhanh, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng ban hành quyết định về chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng 2050, trong đó đưa ra lộ trình đầu tư các nhà máy xi măng. 

Cụ thể, đến năm 2025, tổng công suất thiết kế không vượt quá 125 triệu tấn/năm; đến năm 2030, tổng công suất thiết kế không vượt quá 150 triệu tấn/năm.

Một số đề xuất không đưa vào luật nên vẫn còn luẩn quẩn, khó gỡ

Giữa tháng 6/2024, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị nhằm tìm ra các biện pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng và ban hành Chỉ thị về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Về dài hạn, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy hoạch lĩnh vực xi măng vào danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành trong Luật Quy hoạch.

Tuy nhiên, một khó khăn lớn mà Bộ Xây dựng thừa nhận là đề xuất này không được Quốc hội thông qua trong Luật Quy hoạch sửa đổi ngày 29/11/2024, đồng nghĩa với việc những bất cập trong cung - cầu xi măng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 2 - 3% so với năm 2024, đạt mức 95 - 100 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa dao động từ 60 - 65 triệu tấn, còn xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 30 - 35 triệu tấn. Dù mức tăng trưởng không cao, việc kiểm soát nguồn cung và tìm kiếm thị trường mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định ngành xi măng trong thời gian tới.