Các bộ, ngành tìm hướng giải quyết vướng mắc liên quan bảng giá đất điều chỉnh tại TP.HCM
Bộ Tài nguyên và Môi trường họp về bảng giá đất điều chỉnh tại TP.HCM
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa cho biết đã nhận được thư mời họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý bảng giá đất điều chỉnh trên địa bàn TP.HCM
Theo đó, để giải quyết vấn đề bảng giá đất điều chỉnh tại TP.HCM, ngày 10/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ họp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. HCM...
Cuộc họp nhằm lấy ý kiến, trao đổi các nội dung vướng mắc của UBND TP.HCM về áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 để thống nhất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Văn phòng Chính phủ, Bộ đã có công văn gửi các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, góp ý kiến.
Trước đó ngày 30/8, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ trình bày nhiều vấn đề còn vướng mắc trong việc điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai mới.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8. Tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai mới quy định bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Theo đó, trường hợp điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 thì việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, được quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật Đất đai 2024. Bảng giá đất sẽ không còn bị giới hạn bởi khung giá và không áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất được ban hành hàng năm để điều chỉnh như Luật Đất đai năm 2013.
Đề xuất các phương án điều chỉnh bảng giá đất
Trước đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM cũng phân tích về 4 phương án xây dựng bảng giá đất mà thành phố đã đề ra. Cụ thể:
Phương án 1: Giữ nguyên, không điều chỉnh Bảng giá đất theo Quyết định 02 để áp dụng. Theo lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, việc thành phố lấy bảng giá cũ áp dụng thì không được vì bảng giá quá thấp. Lấy ví dụ: đường Nguyễn Duy Trinh (TP.Thủ Đức) hiện nay giá trong bảng giá cũ chỉ có 4,2 triệu đồng/m2 trong khi giá bồi thường đã là 73 triệu đồng/m2.
Phương án 2: Điều chỉnh Bảng giá đất theo Quyết định 02 theo cách lấy giá đất quy định tại Quyết định 02 nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023/QĐ-UBND (ngày 21/12/2023). Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là kết quả vẫn khá thấp so với giá đất thực tế trên địa bàn thành phố.
Ví dụ, đường Nguyễn Duy Trinh khi nhân với hệ số vào thì giá mới có 13,8 triệu đồng/m2, trong khi giá bồi thường là 73 triệu đồng/m2. Phương án lấy bảng giá nhân với hệ số để sử dụng tạm thời cũng không đảm bảo, không phù hợp với mức giá hiện nay.
Phương án 3: Đối với giá đất các tuyến đường dự kiến bố trí tái định cư sẽ điều chỉnh theo giá đất thực tế; đối với giá đất các tuyến đường theo Quyết định 02 thì nhân với hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định 56/2023/QĐ-UBND. Tuy nhiên, Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết phương án này cũng có hạn chế sẽ xảy ra trường hợp 2 giá trong một tuyến đường sát nhau.
Phương án 4 là thực hiện điều chỉnh bảng giá đất theo quy định pháp luật. Thực hiện điều chỉnh theo phương pháp đấu thầu, thuê tư vấn thực hiện thu thập toàn bộ giá hiện nay giao dịch thành công trên địa bàn thành phố và giá bồi thường đã được phê duyệt trong vòng 24 tháng. Như vậy, toàn bộ dữ liệu đầu vào được tư vấn cân đối, phân tích, tổng hợp rồi thực hiện các phương án so sánh, khấu trừ để ra được bảng giá hiện nay đang lấy ý kiến.