Căn hộ chung cư tăng giá chóng mặt, vợ chồng trẻ càng khó có nhà
Giá nhà tăng cao, giấc mơ có nhà càng xa vời
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa đưa ra đánh giá về thị trường bất động sản năm 2019 và dự báo thị trường năm 2020.
Theo HoREA, năm 2019 cũng là năm thứ hai, thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Theo đó, quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
Giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018; trong đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018.
Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
Tại TP.HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.
HoREA nhận thấy việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện rà soát, chấn chỉnh lại các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại là rất cần thiết giúp phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh và bền vững...
Những nhân tố nào tác động đến thị trường bất động sản 2020?
HoREA cho biết có nhiều nhân tố tác động đến thị trường bất động sản 2020. Cụ thể, công tác hoàn thiện thể chế pháp luật được đẩy mạnh trong năm 2020, với lộ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và nhất là yêu cầu cấp bách phải sửa đổi ngay một số văn bản dưới luật, để khai thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại, tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.
Trong đó, có các Văn bản sau đây: Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ “Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020”, là Nghị quyết được cộng đồng doanh nghiệp rất chờ đợi, kỳ vọng sẽ kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh để đảm bảo phát triển bền vững.
Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, đã xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản, sẽ tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, tạo áp lực tích cực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư kinh doanh và tìm kiếm thêm các nguồn vốn đầu tư thay thế.
Tuy nhiên, mặt tiêu cực là làm cho doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hơn trước, có thể dẫn đến làm giảm tổng cầu của thị trường, nhất là đối với phân khúc bất động sản cao cấp.
Quy chuẩn xây dựng Việt Nam cho phép xây dựng căn hộ nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu 25m2/căn, mở ra triển vọng giải quyết nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư, giới trẻ mới lập nghiệp mới lập gia đình.
Việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về quyền sử dụng đất, xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành đối với dự án căn hộ du lịch (condotel) sẽ chấn chỉnh và tạo điều kiện để phát triển đúng hướng các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư thứ cấp.
UBND TP.HCM cần sớm xem xét, rà soát, giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố, đặc biệt là quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, sẽ giúp cho thị trường bất động sản thành phố sớm có cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại bình thường…
HoRea cho rằng, với sự tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cơ quan có thẩm quyền, có thể từ quý 3/2020 trở đi, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn trước đây.
Năm 2020, ít có nguy cơ xảy ra “bong bóng”, nhưng có thể xảy ra tình trạng sốt giá đất nền cục bộ ở một số khu vực có quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông. Nhưng trong 06 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức.
Phân khúc thị trường căn hộ chung cư nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ, có giá vừa túi tiền (trên dưới 2 tỷ đồng/căn) tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong thị trường bất động sản, đi đôi với nguồn cung dự án nhà ở xã hội tăng thêm trong năm 2020.
Theo: Đình Phong
Tiền Phong