Cảnh giác khi đầu tư bất động sản theo tin đồn
Tin đồn "sốt" bất động sản lan ra nhiều khu vực
Những ngày vừa qua, thị trường bất động sản tại khu vực phía Nam "nóng" lên bởi thông tin xoay quanh việc sáp nhập các tỉnh, thành. Lợi dụng điều này, nhiều môi giới đã lôi kéo, "thổi" giá bất động sản ở nhiều khu vực như TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bình Dương…
Dù chưa có một thông báo chính thức về địa giới hành chính, một số môi giới đã giới thiệu đến khách hàng các phân khúc căn hộ chung cư, nhà phố, đất nền tại khu vực TP. HCM, Bình Dương, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu… với viễn cảnh sẽ nhập vào TP. HCM tạo thành siêu đô thị. Theo lời quảng bá của những người này, khi các địa phương sáp nhập, giá bất động sản tăng rất cao, thiết lập mặt bằng giá mới.
Khảo sát của PV Dân Việt cho thấy, không ít môi giới ra sức lôi kéo khách hàng bằng nhiều cách thức như gọi điện, nhắn tin, đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội… Các môi giới vẽ ra bức tranh thị trường đang "bùng cháy" trước cơ hội "ngàn năm có một" của việc sáp nhập. Những người này ra sức chiêu dụ khách hàng xuống tiền đặt cọc, chốt lời.
Một môi giới tên Thanh Hà liên tục đăng tải các bài quảng cáo sốt đất trên mạng xã hội. Người này giới thiệu về khả năng sáp nhập Bình Dương vào TP. HCM, khẳng định giá bất động sản tại đây sẽ tăng mạnh.
Lý lẽ được người này đưa ra là tỉnh Bình Dương từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nhờ vị trí liền kề TP. HCM. Ngoài ra, Bình Dương còn có lợi thế hạ tầng giao thông, lượng dân cư dồi dào nên nhu cầu về bất động sản rất lớn. Thông tin Bình Dương sẽ sáp nhập về TP. HCM như cú hích lớn, đẩy thị trường này lên cao.
Môi giới này khẳng định thời điểm này khách cứ xuống tiền gom căn hộ, đất Bình Dương là sau 1 tháng sẽ "1 lời 1" thậm chí nhiều hơn.
Tuy nhiên, khảo sát thực thế của PV tại một số sàn giao dịch bất động sản ở TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) lại ghi nhận tình trạng nhiều công ty, văn phòng chủ yếu tập trung môi giới bất động sản, vắng bóng khách hàng. Tình hình mua bán tại các nơi này vẫn khá trầm lắng, lượng giao dịch thực tế không có nhiều đột biến.
Tương tự, những nơi như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng được quảng cáo là đang "nóng, sốt". Nhưng ghi nhận thực tế, các giao dịch nhà đất tại những khu vực trên gần như ổn định, không tăng đột biến. Nhiều dự án hoang vắng, cỏ mọc um tùm. Việc thị trường nóng sốt chủ yếu nằm trên "cửa miệng" của cánh môi giới.
Tránh chạy theo tâm lý đám đông khi mua bất động sản
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho hay thời gian gần đây, lợi dụng thông tin về việc sáp nhập một số địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư, đánh vào tâm lý đám đông, tạo hội chứng "FOMO" - sợ bị đứng ngoài cuộc, kích thích nhu cầu mua bất động sản.
Tuy nhiên, thực tế, dòng tiền của các nhà đầu tư chỉ đang hướng tới những khu vực có hạ tầng và quy hoạch phát triển đồng bộ, hiện đại. Trong đó, xu hướng "săn" đất tại những khu vực có quy hoạch sáp nhập, phát triển hạ tầng là rõ rệt nhất.
Chuyên gia VARS cho rằng, xu hướng "săn" đất đang tăng tại một số khu vực, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng trước các cơn sốt ảo. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất khu vực dự kiến đầu tư và nắm rõ tiến độ thay đổi quy hoạch để đánh giá rủi ro và khả năng tăng trưởng. Đồng thời, yếu tố thanh khoản và tạo dòng tiền từ bất động sản cũng cần được đặt lên hàng đầu.
Những nơi có kế hoạch triển khai quy hoạch cụ thể và đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng hay các dự án được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với nhiều chính sách "thu hút" người dân về ở sẽ là lựa chọn an toàn hơn so với các khu vực chỉ được đẩy giá theo tin đồn. Để thị trường phát triển theo hướng minh bạch và bền vững, tránh việc giá cả vượt quá giá trị thực tế, gây nên các cơn "sốt ảo", cần có sự đồng hành, phối hợp sát sao của tất cả các bên liên quan.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam Batdongsan.com cho biết trước tin đồn sáp nhập, giá bất động sản một số khu vực có xu hướng tăng nhưng đi kèm dấu hiệu nóng. Cụ thể, giá đất Nhơn Trạch, Bà Rịa - Vũng Tàu có mức tăng từ 20-30% và đang quay về mức đỉnh của năm 2022 (nơi các "tay to" thoát hàng), cho thấy dấu hiệu "nóng" và tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh. Giá tăng chủ yếu do tâm lý thị trường, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng với các khu vực có dấu hiệu tăng nóng.
Theo ông Tuấn, giai đoạn này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Giá bất động sản không chỉ phụ thuộc vào thông tin sáp nhập mà còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác như hạ tầng, vị trí, nhu cầu việc làm, nhập cư, và nền tảng kinh tế địa phương.
Vị chuyên gia bất động sản này cũng khuyến cáo một số rủi ro nhà đầu tư cần lưu ý. Quy hoạch có thể thay đổi hoặc việc sáp nhập diễn ra chậm hơn dự kiến; nguy cơ mua vào với giá cao hơn giá trị thực, đặc biệt tại các khu vực tăng nóng. Ông Tuấn cảnh báo người dân việc sáp nhập là cơ hội lớn, nhưng cần tỉnh táo: "Mua đúng nơi, đúng thời điểm, tránh chạy theo tâm lý đám đông".
Về vấn đề trên, luật sư Lê Thị Bích Hằng - Đoàn Luật sư TP.HCM - nhận định các thông tin sáp nhập tỉnh thành chưa được cơ quan chức năng công bố, những cá nhân, tổ chức lợi dụng chia sẻ các thông tin không chính xác là đang vi phạm các quy định của pháp luật.
Đặc biệt, việc lan truyền những thông tin chưa xác thực nhằm trục lợi, gây hoang mang dư luận là việc đáng lên án. Chính vì vậy, người dân cần thực sự tỉnh táo và chờ các thông tin chính thức từ cấp có thẩm quyền, tránh chạy theo tâm lý đám đông để nhận rủi ro.