CBRE: Trong vài quý tới, mặt bằng giá chung cư Hà Nội có thể vượt TP.HCM

Hiện nay, giá bất động sản Hà Nội liên tục tăng nóng trong khi các khu vực khác vẫn còn trầm lắng. Nhiều báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu cũng chỉ ra sự tăng trưởng vượt trội của bất động sản Hà Nội.

Theo số liệu từ CBRE Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội và TP.HCM đang có dấu hiệu đảo chiều. Nếu như trước đây TP.HCM luôn đi đầu về nguồn cung và giá thì trong 9 tháng đầu năm nay, Hà Nội lại là thị trường có xu hướng phát triển hơn, đặc biệt là nguồn cung. Trong quý 3, Hà Nội có hơn 8.200 sản phẩm căn hộ trong khi TP.HCM chỉ có 127 sản phẩm mở bán - mức thấp nhất trong ít 10 năm trở lại đây.

Về sức mua, trước đây, TP.HCM luôn có mức độ hấp thụ rất tốt căn hộ. Trong khi Hà Nội cách đây 5 - 6 năm, mức độ hấp thụ chỉ 40 - 50%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mức độ hấp thụ ở thị trường Hà Nội hầu như đạt ở mức rất cao 80 - 90%. Còn tại TP HCM, mặc dù tổng nguồn cung mới chỉ khoảng 120 sản phẩm, tuy nhiên mức độ hấp thụ gần 2.000 sản phẩm.

Cách đây 3-5 năm trước, mặt bằng giá căn hộ tại TP.HCM cao hơn 15-20% so với Hà Nội. Đến thời điểm hiện tại, khoảng cách giá đã được thu hẹp ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp còn khoảng 3% - 4% (tương đương 2 triệu đồng/m2).

Trong khi đó, xét đến tốc độ tăng giá, ở Hà Nội nhanh hơn nhiều so với TP.HCM. Mức giá hiện tại của Hà Nội cao hơn 26% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tại TP.HCM là 4 - 8%. CBRE dự báo, có thể trong vòng 1 - 2 quý tới mặt bằng giá chung cư Hà Nội có thể vượt TP.HCM.

Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản Hà Nội tăng cao trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng có 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất là do nguồn cung tại thị trường Hà Nội khan hiếm trong thời gian dài, cung không đủ cầu, kể cả cầu về nhà ở hay về đầu tư hiện nay đều tăng. Hơn nữa, Hà Nội là khu vực đang có tốc độ đô thị hóa rất cao.

Thứ hai, thời gian qua là giai đoạn chuyển tiếp khi Nhà nước triển khai thay đổi 3 Luật lớn tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và tâm lý của người dân. Từ đó, xuất hiện nhiều luồng tư tưởng khác nhau, có thể là tiếp tục chờ đợi hoặc tranh thủ cơ hội đầu tư...

Ông Điệp lấy ví dụ về quy định cấm phân lô bán nền cũng đã khiến số lượng lớn người dân, nhà đầu tư ồ ạt tham gia các phiên đấu giá, khiến giá đất vùng ven cũng tăng đột biến.

Thứ ba, nguồn lực đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, không chỉ đến từ Nhà nước, Ngân hàng mà còn là vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối... Hà Nội là một khu vực đang tập trung rất nhiều yếu tố như vậy.

Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, vào mỗi một chu kỳ mới, giá đất lại tăng lên. Đặc biệt, trong bối cảnh này là giai đoạn có tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu để ở và đầu tư tại Hà Nội là rất lớn, sẽ khiến giá bất động sản cũng tăng theo. Muốn giá giảm thì phải có những biện pháp căn cơ liên quan đến các chính sách và công cụ điều tiết vĩ mô.

Bên cạnh đó, đưa ra dự báo về thị trường bất động sản cuối năm nay, ông Điệp cho rằng: "Tại Hà Nội và TP.HCM, nhà ở giá dưới 3 tỷ đồng gần như đã tuyệt chủng. Trong khi đây là mức giá phù hợp với đại đa số người dân. Do đó, thị trường bất động sản cuối năm nay có thể sẽ giảm bớt nhiệt so với mọi năm".