CEO Xiaomi Lôi Quân cảm ơn về lệnh trừng phạt của Mỹ: "Nếu không bị Mỹ trừng phạt, có lẽ chúng tôi đã không làm xe điện"
Giám đốc điều hành Lôi Quân của Xiaomi cho biết quyết định áp đặt lệnh trừng phạt của chính quyền Trump đối với Tập đoàn Xiaomi của Trung Quốc vào đầu năm 2021 chính là chất xúc tác cho việc công ty quyết định sản xuất ô tô điện đầu tiên.
Được biết đến nhiều nhất với các sản phẩm điện thoại thông minh và đồ gia dụng, Xiaomi đã tham gia vào thị trường xe điện đông đúc của Trung Quốc trong năm nay, một phần trong chiến lược đa dạng hóa danh mục sản phẩm của mình.
Phát biểu tại một sự kiện thường niên ở Bắc Kinh vào ngày 19/07 vừa qua, ông Lôi Quân cho biết Xiaomi bắt đầu cân nhắc sản xuất một chiếc xe điện sau "sự cố" - một thông báo vào những ngày cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa công ty Trung Quốc này vào danh sách trừng phạt của Mỹ.
"Vào ngày 15/01/2021, tôi nhận được một cuộc gọi từ một người bạn nói rằng chúng tôi đã bị trừng phạt. Nó giống như một tia chớp bất ngờ," ông Lôi Quân nói, đồng thời cho biết Xiaomi đã triệu tập một cuộc họp hội đồng quản trị khẩn cấp vào ngày hôm đó.
Trong cuộc họp, một thành viên hội đồng quản trị đã hỏi ông Lôi Quân: "Nếu không thể sản xuất smartphone, 30.000 nhân viên Xiaomi sẽ làm gì?". Một thành viên khác trong hội đồng sau đó đã đề xuất Xiaomi phát triển xe điện. Đó cũng là thời điểm đầu tiên mà Xiaomi thật sự nghiêm túc về việc sản xuất xe điện.
"Nếu không có tác động to lớn của các lệnh trừng phạt bất ngờ từ Mỹ, chúng tôi đã không vội vàng bước vào ngành công nghiệp ô tô phức tạp," ông Lôi Quân nói. Vào thời điểm đó, ông Lôi Quân cho biết ông đã bắt đầu phát triển SU7, một chiếc xe điện thể thao, na ná Porsche với giá khởi điểm dưới 30.000 USD.
Xiaomi đã kiện Chính phủ Mỹ về các lệnh trừng phạt tại tòa án liên bang Mỹ. Lệnh trừng phạt này sau đó đã được gỡ bỏ vào tháng 5/2021.
"Tôi phải cảm ơn sự cố 3 năm trước," ông nói về các lệnh trừng phạt , điều đã thúc đẩy công ty đa dạng hóa hoạt động do lo ngại chúng sẽ gây hại cho mảng kinh doanh điện thoại thông minh của mình.
Ông Lôi Quân cho biết Xiaomi đã từ chối lời đề nghị từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tài trợ cho các hoạt động sản xuất xe điện giai đoạn đầu của mình, với mức định giá hoạt động này ở mức 10 tỷ USD.
Xiaomi đặt mục tiêu bàn giao ít nhất 100.000 xe điện SU7 trong năm nay, với mục tiêu bán ra 120.000 chiếc. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với đầu năm nay, khi công ty ban đầu đặt mục tiêu doanh số năm đầu tiên là 76.000 xe trong khi xác định năng lực sản xuất của mình. Ông Lôi Quân cho biết công ty đã giao hàng hơn 25.000 xe điện vào cuối tháng 6 và dự kiến đạt mục tiêu 100.000 chiếc vào tháng 11.
SU7 hiện chỉ được bán tại Trung Quốc. Ông Lôi Quân cho biết mục tiêu của ông là đưa Xiaomi trở thành một trong năm nhà sản xuất ô tô hàng đầu toàn cầu. Cũng tại sự kiện này, Xiaomi đã công bố SU7 Ultra, mẫu siêu xe điện đầu tiên với 1.548 mã lực. Xiaomi kỳ vọng SU7 Ultra sẽ thiết lập kỷ lục mới trong phân khúc sedan điện bốn cửa tại trường đua Nürburgring (Đức).
Trong bài phát biểu nhận đề cử tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Donald Trump đã dành một phần để đề cập đến ngành công nghiệp xe điện, cho biết ông sẽ giảm bớt các quy định khắt khe về khí thải của phương tiện, thúc đẩy sự chuyển dịch sang xe điện.
Ông Trump cũng cho biết, nếu trúng cử vào tháng 11, ông sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với xe điện Trung Quốc được sản xuất tại Mexico, mặc dù ông cho biết sẽ ủng hộ việc Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy ở Mỹ.