Chậm làm sổ đỏ cho cư dân phạt 1 tỷ đồng: Còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe?

Chậm làm sổ đỏ cho cư dân phạt 1 tỷ đồng: Còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Chủ đầu tư vướng vi phạm ở một hoặc một số khâu của các pháp luật là nguyên nhân khiến việc cấp sổ hồng cho cư dân bị "treo".


Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Theo đó, HoREA cho rằng, các quy định của Nghị định 91 vừa xử lý khá nghiêm khắc các vi phạm để góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực đất đai.

Tuy nhiên, lãnh đạo HoREA cho rằng, mức phạt tiền tối đa chỉ đến 1 tỷ đồng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn với việc chậm làm thủ tục để cấp sổ đỏ cho khách hàng.

Cụ thể, theo Nghị định 91 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua quyền sử dụng đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.

“Trường hợp trong một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt quy định nêu trên nhưng tổng số tiền phạt không được vượt quá 1 tỷ đồng”, Nghị định nêu rõ.

Thực tế thời gian qua, nhiều chủ đầu tư các dự án chung cư, khu dân cư chây ì trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) cho người mua.

Theo một báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 108 dự án có tranh chấp, thì có 11 dự án (chiếm khoảng 10%) liên quan tới việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho cư dân.

Trong khi đó, theo báo cáo thống kê đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến hết năm 2017, còn 22.622 căn hộ đang được tiếp tục triển khai cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, ước có khoảng 23.260 căn chung cư và nhà tái định cư chưa được cấp giấy chứng nhận.

Ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) từng cho biết, thực tế thời gian qua, việc tổ chức, triển khai tại các địa phương vẫn còn chậm làm ảnh hưởng lớn tới tâm lý của người mua nhà.

Do vậy, trong thời gian tới, ông Phấn cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cấp bách nhằm “gỡ” vấn đề này. Trong đó, trước hết sẽ yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, phân loại các loại hình vi phạm tại từng dự án cụ thể. Đồng thời, đề xuất các giải pháp xử lý những vi phạm này.

“Trường hợp còn có khó khăn vướng mắc sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để trao đổi thống nhất hoặc báo cáo Chính phủ đề xuất phương án xử lý nhằm giải quyết triệt để tình trạng này”, ông Phấn nói.

Bên cạnh đó, theo ông Phấn, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để làm rõ những sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Yêu cầu các địa phương công khai, minh bạch thông tin các chủ đầu tư có vi phạm tại các dự án phát triển nhà ở. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người có nhu cầu mua nhà nắm rõ thông tin và quyết định trước khi mua”, ông Phấn nói.

Nguyễn Mạnh