Chi tiết 5 dự án nhà ở tại Hà Nội được bán cho người nước ngoài, chủ yếu là chung cư cao cấp có giá dao động 70-100 triệu đồng/m2

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách các dự án cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà ở trên địa bàn, tính tới tháng 10. Theo đó, trong danh sách này có 5 dự án , trong đó có 4 dự án nằm ở quận Nam Từ Liêm và 1 dự án ở quận Thanh Xuân.

Cụ thể, có 3 dự án nằm trong khu đô thị Vinhomes Smart City (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) gồm 3 tòa chung cư Z38M.1, Z38.1 và U39.1 nằm lô đất F2-F4-CH04; hai tòa Z38M.1 và Z38.1 nằm ở lô đất F2-F4-CH05 đều thuộc tổ hợp Imperia Smart City do Công ty cổ phần HBI làm chủ đầu tư và 3 tòa chung cư U35.1, U35.2, U35.3 nằm ở lô đất F2-CH01 thuộc dự án  Masteri West Heights do Công ty cổ phần phát triển kinh doanh bất động sản SV Tây Hà Nội làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó còn tòa HH2-1A thuộc dự án The Matrix One của Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh cũng được cho phép bán cho người nước ngoài .

Một dự án khác tại quận Thanh Xuân là Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân Vihacomplex nằm tại 107 Nguyễn Tuân. Dự án này do liên danh Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ và Công ty cổ phần In và thương mại Thống Nhất làm chủ đầu tư.

Các dự án này chủ yếu là chung cư cao cấp. Giá rao bán thị trường dao động 70-100 triệu đồng/m2.

Nghị định 95 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Nhà ở đề cập đến các điều kiện, quy định khi cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Cụ thể, số lượng nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu được xác định theo các trường hợp cụ thể.

Đối với một tòa nhà chung cư , kể cả nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó.

Trường hợp tòa nhà chung cư có nhiều đơn nguyên hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi đơn nguyên, mỗi khối nhà.

Còn đối với nhà ở riêng lẻ trên khu vực có số dân 10.000 người, nếu chỉ có một dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 250 căn nhà. Nếu có 2 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trở lên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại tất cả dự án nhưng không vượt quá 250 căn.

Nếu trên một khu vực có dân số 10.000 người có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu đủ số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định thì không được sở hữu thêm nhà riêng lẻ tại các dự án khác của khu vực này.

Nghị định quy định trước khi hết hạn sở hữu nhà ở tối thiểu 3 tháng, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu gia hạn thêm thời hạn sở hữu nhà ở thì gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến 1 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này đến UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở để được xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn tối đa 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 điều này, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Nếu vẫn đáp ứng đúng đối tượng và điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở thì có văn bản chấp thuận gia hạn một lần thời hạn sở hữu nhà ở theo đề nghị của chủ sở hữu những tối đa là 50 năm, kể từ khi hết hạn sở hữu nhà ở lần đầu ghi trên giấy chứng nhận. Như vậy, thời hạn sở hữu của người nước ngoài tại Việt Nam tối đa là 100 năm, tăng gấp đôi so với trước đây.