Chi tiết vi phạm tại DIC Corp có trách nhiệm của Bộ Xây dựng
Hàng loạt vi phạm tại DIC Corp "dính" trách nhiệm Bộ Xây dựng
Theo kết luận thanh tra số 1764/TB-TTCP, về căn cứ pháp lý và trình tự thủ tục cổ phần hóa tại Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp), Bộ Xây dựng căn cứ pháp lý là Nghị định 187/2004/NĐ-CP để lập phương án cổ phần hóa doanh nghiệp là không đúng quy định nêu tại Điều 56 Nghị định 109/2007/NĐ-CP.
Quyết định 1094/QĐ-BXD phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trên cơ sở kết quả thẩm tra việc xác định giá trị doanh nghiệp của Vụ Kế hoạch tài chính thuộc Bộ Xây dựng, không được Ban chỉ đạo cổ phần hóa thẩm tra là không đúng quy định.
Quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại DIC Corp đã phát sinh những hạn chế, thiếu sót, vi phạm có trách nhiệm của Bộ Xây dựng như: Không lập phương án sử dụng đất; không xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đối với đất thuê là loại đất đô thị để tính vào giá trị doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng ban hành quyết định phê duyệt giá trị vốn nhà nước tại thời điểm 0 giờ ngày 13/3/2008 để bàn giao doanh nghiệp nhà nước là Công ty Đầu tư phát triển xây dựng sang DIC Corp không đảm bảo đúng thời gian theo quy định.
Về xác định giá trị tài sản là công trình xây dựng trên đất, đơn vị tư vấn là Công ty CP Giám định, thẩm định Việt Nam (VIVACO) xác định không đúng suất vốn đầu tư và nguyên giá của 2 công trình xây dựng trên đất dẫn đến giá trị tài sản được đánh giá chênh lệch giảm so với quy định số tiền hơn 2,46 tỷ đồng.
"VIVACO và Bộ Xây dựng không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước mà sử dụng tập hợp chi phí đầu tư và giá trị quyền phát triển dự án để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá, không đúng quy định", kết luận thanh tra nêu rõ.
Thanh tra Chính phủ đã đề nghị và nhận được văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai xác định vị trí dự án chưa được ghi nhận trong bảng giá đất giai đoạn 2006 - 2008, không có giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở giai đoạn 2006 - 2008 nên không xác định được giá thị trường.
Thanh tra Chính phủ nhận thấy tập hợp chi phí đầu tư và giá trị quyền phát triển dự án đã tính vào giá trị doanh nghiệp cao hơn giá trị quyền sử dụng đất theo bảng giá đất của UBND tỉnh Đồng Nai quy định. Do đó, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Nai cần rà soát để xử lý theo đúng quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm khi chỉ đạo về giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2009
Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương phát hành và chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm phát hành. HĐQT đã trình Đại hội đồng cổ đông DIC Corp quyết định giá bán tối thiểu là 100.000 đồng/cổ và HĐQT DIC Corp đã chào bán với giá 100.000 và 102.000 đồng/cổ theo Luật Doanh nghiệp 2005.
"Tuy nhiên, Bộ Xây dựng với vai trò là chủ sở hữu chưa làm hết trách nhiệm trong việc chỉ đạo về giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2009, cần được kiểm điểm, xử lý theo quy định", Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Về trình tự, thủ tục thoái vốn và việc xác định giá trị cổ phần để thoái vốn nhà nước, Thanh tra Chính phủ kết luận Bộ Xây dựng ban hành Văn bản số 2649/BXD-QLDN ngày 7/11/2017 phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước tại DIC Corp nhưng không xin ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Như Dân Việt đã đưa tin, các vi phạm tại DIC Corp đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ trách nhiệm thuộc về Ban Chỉ đạo cổ phần hóa DIC Corp, lãnh đạo Bộ Xây dựng giai đoạn 2007 - 2008, năm 2009, giai đoạn năm 2016 - 2017 và các tổ chức, cá nhân có liên quan; đơn vị tư vấn là VIVACO; người đại diện phần vốn nhà nước tại DIC Corp.
Theo tìm hiểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng giai đoạn 2007 - 2009 là ông Nguyễn Hồng Quân và giai đoạn 2016 - 2017 là ông Phạm Hồng Hà.
Cũng theo kết luận thanh tra, từ khi chuyển sang công ty cổ phần đến khi thoái hết vốn nhà nước, vốn điều lệ của DIC Corp tăng từ 370 tỷ lên 2.382 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng tăng từ 2.319 tỷ đồng tại thời điểm chuyển sang CTCP lên 6.133 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2017 trước khi thoái toàn bộ vốn Nhà nước.
Cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước trên 400 tỷ đồng, giá trị phần vốn Nhà nước từ khi cổ phần hóa đến khi thoái vốn tăng từ 240 tỷ lên 1.182 tỷ đồng sau khi thoái vốn đã thu nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp số tiền trên 2.274 tỷ đồng, thặng dư vốn 1.092 tỷ đồng...