Chiêu 'vẽ' dự án của Địa ốc Alibaba
Ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba và em trai vừa bị bắt ngày 18/9, chỉ sau 3 năm hoạt động và gây nên nhiều tai tiếng trên thị trường. Vào tháng 5/2016, doanh nghiệp này được thành lập số vốn điều lệ chỉ một tỷ đồng, với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thái Lĩnh (khi đó mới 28 tuổi) - em trai ông Luyện. Công ty có 3 cổ đông, trong đó ông Lĩnh nắm 10%, bà Võ Thị Thanh Mai 10% và ông Luyện chiếm 80%.
Hơn một năm sau đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng lên 20 tỷ đồng và chỉ hơn 9 tháng sau, vào tháng 9/2017 doanh nghiệp này tăng vốn lên thành 1.600 tỷ đồng, tương đương mức tăng gấp 80 lần. Tuy nhiên, theo giới thiệu trên website, hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 5.600 tỷ với 20 công ty con, 2.600 nhân sự. Về hoạt động đầu tư, Alibaba cũng tự quảng cáo đang triển khai 45 dự án bất động sản, gần 18.000 sản phẩm.
Một dự án của Công ty Alibaba tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hữu Khoa |
Tuy nhiên, thực tế, Alibaba được biết đến là một trong những doanh nghiệp tự "vẽ" hàng chục dự án không có thực ở nhiều tỉnh, thành hoặc chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư của chính quyền địa phương.
Trong số hàng chục dự án do Alibaba phân phối, có dự án được quy hoạch dùng để làm đất nghĩa địa, đường cao tốc và khu công nghiệp, trồng cây lâu năm..., hoặc một số nơi được quy hoạch là đất ở nhưng các cá nhân sở hữu đều chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng. Dựa trên hồ sơ tự vẽ đó, Alibaba tiến hành quảng cáo, sau đó chia lô, bán nền huy động vốn, thu tiền của khách hàng.
Cuối năm 2017, Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực III - 3 mới đang được chính quyền TP HCM mời gọi đầu tư, chưa giải phóng mặt bằng và chưa có quy hoạch chi tiết 1/500. Công ty Địa ốc Alibaba và doanh nghiệp trực thuộc là Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP HCM dù chưa thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tại dự án này, đã tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền, thu tiền đặt chỗ của khách hàng. Sau khi có cảnh báo của cơ quan quản lý và dưới sức ép của khách hàng, Alibaba phải trả lại tiền cho khách đã đặt cọc.
Đồng Nai là địa phương mà doanh nghiệp này hoạt động mạnh nhất, đặc biệt trong hơn một năm gần đây. Riêng huyện Long Thành, theo Bộ Công an có 27 dự án liên quan đến Công ty Alibaba tại xã Phước Bình (3 dự án), xã An Phước (một dự án), xã Long Phước (21 dự án)... Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tổ chức quảng cáo, mua bán đất. Tuy nhiên, thực tế khu đất mà đơn vị này quảng cáo có dự án đều do nhiều cá nhân đứng tên trên sổ đỏ và chưa được cơ quan có thẩm quyền nào chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như cấp phép thành lập khu dân cư. Thậm chí, doanh nghiệp còn vẽ bản đồ vị trí phân lô chồng lên các thửa đất của hộ dân kế cận với diện tích lớn rồi rao bán.
Tại dự án Alibaba Central Park II, công ty quảng cáo quy mô 5,5 ha với 344 lô đất nền, và đã bắt tay hợp tác với Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp (trụ sở tại huyện Long Thành). Tuy nhiên, bên cạnh việc khu đất này chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, thì một phần diện tích được Alibaba "vẽ" còn là khu vực đã được quy hoạch làm đường, đất ở nông thôn kết hợp trồng cây lâu năm.
UBND huyện Long Thành từng ra hàng loạt quyết định xử phạt hành chính với Địa ốc Alibaba về các hành vi như chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, không thông báo khởi công công trình và buộc tháo dỡ bảng quảng cáo, đình chỉ hoạt động xây dựng trái phép.
Cũng với phương thức tương tự, Alibaba đưa đội ngũ về Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu đất rộng gần 135.000 m2 ở xã Châu Pha (thị xã Phú Mỹ) do ông Nguyễn Ngọc Sự (thường trú Hà Nội) đứng tên sở hữu đất trồng cây lâu năm được làm đường, vỉa hè, kéo điện rồi phân lô bán nền dưới danh nghĩa dự án Alibaba Tân Thành Center City 1. Hơn một năm qua, trong căn nhà rộng hàng trăm m2 được xây ở mặt tiền khu đất, hàng chục người mặc đồng phục địa ốc Alibaba túc trực dẫn khách đến xem, mua đất nền với giá từ 500 triệu đồng mỗi lô. Công ty này cũng cam kết sẽ làm được sổ đỏ cho khách mua và lợi nhuận tối thiểu 30% mỗi năm.
Chính quyền xã Châu Pha đã cưỡng chế khu đất bị biến thành dự án bất động sản trái phép, song đã vấp phải sự chống đối của hơn 70 người mặc áo đồng phục Công ty Địa ốc Alibaba. Hai lãnh đạo công ty này bị bắt tạm giam khi chỉ đạo, cầm gạch đá đập vỡ kính xe múc của đoàn cưỡng chế.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từng chỉ đích danh Công ty cổ phần địa ốc Alibaba trong việc vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, tổ chức huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
Tuy nhiên, Địa ốc Alibaba tiếp tục "tấn công" thị trường Bình Thuận vào đầu tháng 8/2019. Tại đây, đơn vị này mở bán dự án có tên gọi Ali Venice City ở xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân. Tuy nhiên, chính quyền xã cho hay, không hề có dự án nào như vậy, đồng thời dựng biển cảnh báo.
Alibaba cũng quảng cáo bán dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City (xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân). Thực tế, khu đất được quảng cáo đang được trồng cây keo lá tràm, chưa giải phóng mặt bằng do ông Nguyễn Thái Lĩnh nhận chuyển nhượng lại của các hộ dân. Theo đó, chính quyền địa phương đã cảnh báo đây là một dự án ma bởi cơ quan chức năng chưa nhận được văn bản nào liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng dự án của Địa ốc Alibaba. Công an tỉnh Bình Thuận ngay sau đó cũng đưa ra cảnh báo về dự án này.
Nguyễn Hà