'Chốt' nhiều dự án giao thông trọng điểm hoàn thành 2025

'Chốt' nhiều dự án giao thông trọng điểm hoàn thành 2025 - Ảnh 1

Một đoạn tuyến của dự án đường trục phía Nam đang thi công

Dự án gia hạn 7 lần

Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố Hà Nội ngày 11/12, đại biểu Nguyễn Bích Thủy cho biết, dự án trục đường phía Nam Hà Tây cũ là dự án quan trọng triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đến nay, dự án đã qua 16 năm thi công, trải qua 7 lần gia hạn nhưng vẫn chưa xong. Đại biểu đề nghị UBND thành phố thông tin về tiến độ dự án và thời gian hoàn thành .

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) dài 41,5km được thiết kế rộng 40m với 6 làn xe, chạy qua các quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và Phú Xuyên. Dự án được chia làm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Năm 2008 dự án triển khai, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn dang dở.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án đường trục phía Nam còn lại 23km chưa hoàn thành , trong đó 20 km đã xong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Lãnh đạo huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa đã cam kết chậm nhất hoàn thành GPMB trong quý 2/2025.

Ông Nguyễn Phi Thường cũng cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là phê duyệt điều chỉnh dự án. Đây là dự án chuyển tiếp từ dự án BT của UBND tỉnh Hà Tây trước đây. Sau khi Luật PPP có hiệu lực, dự án được phép chuyển tiếp nhưng lại mắc do điều chỉnh bổ sung thêm khối lượng. Quốc hội vừa thông qua Luật PPP cho phép thực hiện các dự án BT. Tuy nhiên, các dự án BT này phải báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Dù vậy, đến nay dự án vẫn chưa được Chính phủ trình Quốc hội.

Theo ông Thường, dự kiến dự án sẽ được phê duyệt điều chỉnh trong quý I/2025. Tuy nhiên, việc điều chỉnh dự án liên quan khu đô thị (KĐT) Thanh Hà, KĐT Mỹ Hưng , là các quỹ đất đối ứng cho dự án. “Tổng thể dự án vẫn đang triển khai, hợp đồng đã được gia hạn đảm bảo tính pháp lý. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong 2025”, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định.

Nói thêm về dự án này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hiện nay với phần đã có mặt bằng, nhà đầu tư đang tiếp tục thi công. UBND thành phố đang hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục chuyển tiếp.

Tuyến đường “đắt nhất hành tinh” hoàn thành trong năm 2025?

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đề nghị UBND thành phố Hà Nội thông tin về tiến độ nhiều dự án, trong đó có tuyến đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, với dự án đường Vành đai 1, trên địa bàn quận có 643 phương án GPMB (mỗi tổ chức, cá nhân sử dụng đất là 1 phương án ). Đến nay, UBND quận đã đã phê duyệt 643 phương án , trong đó hơn 100 phương án đã chi trả tiền và bàn giao mặt bằng. Dự kiến, chậm nhất là quý 2/2025 quận sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Còn theo ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, trên địa bàn quận có 1.334 phương án quản lý sử dụng đất. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai trước đây lỏng lẻo, chỉ riêng dự án này đã có gần 1.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Theo ông Chiến, hiện nay, UBND quận đã chi trả 667 phương án bồi thường. Các phương án cuối cùng đã được niêm yết công khai, dự kiến sẽ phê duyệt trong tháng 12/2024. Đến quý 1/2025, quận sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Ban chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố được thành lập, hoạt động từ ngày 20/11/2024. Ban chỉ đạo sẽ tập trung triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Bí thư Thành ủy Hà Nội giải quyết 4 vấn đề lớn và triển khai 26 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo để đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Ông Đồng Phước An , Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội (chủ đầu tư dự án) cho biết, tiến độ dự án đường Vành đai 1 chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân là do quá trình GPMB gặp nhiều khó khăn (người dân không phối hợp, không xác nhận nguồn gốc đất, không xác nhận chỉ giới. Thậm chí, có hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng…).

Ông An cũng cho biết, khó khăn hiện nay là giải quyết đơn thư của nhân dân. Hiện còn 409 hộ có đơn thư khiếu nại, vì thế UBND các quận vừa phải tổ chức đối thoại, vừa trả lời đơn thư. “Chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu sẵn sàng, khi có mặt bằng là thi công ngay. Nếu GPMB theo kế hoạch đã cập nhật, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025”, ông An nói.

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, HĐND đã chất vấn và có yêu cầu thời hạn hoàn thành đối với 67 nội dung. Đến nay, 37/62 nội dung đã hoàn thành , như: Dự án tuyến đường đê từ nút giao đường Thanh Niên - An Dương đến nút giao cầu Nhật Tân, Dự án Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội…