Chủ tịch Contrexim: "Một kỹ sư làm việc 20 năm, vợ đi dạy học vẫn đi thuê nhà... giá đất 'nhảy múa' như bây giờ thì cả đời không mua được căn hộ, chưa nói đến đất"
Tại hội thảo: “Áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024: Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam", ông Nguyễn Đức Cây – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển nhà Constrexim đã có một số chia sẻ về vấn đề tồn tại của thị trường liên quan đến câu chuyện giá bất động sản .
Thứ nhất, ông Cây cho rằng, nếu không có giải pháp điều tiết giá bất động sản , mà để nhảy múa như hiện nay thì người dân biết bao giờ mới có nhà ở .
Ông Cây lấy dẫn chứng: "Tôi được biết, một kỹ sư làm việc 20 năm, có vợ dạy học nhưng đến nay vẫn phải đi thuê nhà ở . Họ là những người lao động chân chính và có thể cả đời họ sẽ không mua nổi căn hộ với mức lương như hiện tại, chưa nói đến đất".
Nhìn ra nhiều quốc gia trên thế giới, ông Cây cho biết, họ rất quan tâm đến chính sách nhà ở và coi chính sách nhà ở là chính sách dân sinh lớn nhất.
Thứ hai, việc giá đất đẩy lên cao sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư tại Việt Nam. "Nhiều năm tham gia phát triển thị trường bất động sản , chính tôi cũng chưa bao giờ thấy giá bất động sản tăng đột biến như hiện nay", ông Cây nhấn mạnh.
Chúng ta cần đặt ra câu hỏi rằng, với giá đất quá cao như hiện tại, đắt hơn cả Tokyo (Nhật Bản) thì liệu còn doanh nghiệp, nhà đầu tư thương mại, dịch vụ quốc tế nào còn dám đến đầu tư tại Việt Nam?
Thứ ba, liên quan đến định giá đất , chúng ta phải đặt ra câu hỏi ai sẽ giám sát công ty định giá, tư vấn đất? Liệu có đảm bảo rằng họ không lợi ích nhóm? Vì sao có những dự án 6 - 7 năm mới xong được việc định giá đất ?
Liên quan đến vấn đề giá đất hiện nay, ông Cây kiến nghị, doanh nghiệp phải được tham gia phản biện, công khai, minh bạch về giá đất trước khi nộp tiền sử dụng đất.
Cũng tại hội thảo, chia sẻ vướng mắc liên quan đến xác định giá đất cho các dự án được giao đất theo nhiều đợt, đại diện CTCP Tập đoàn Tuta cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi tại địa phương đang gặp khó khăn khi không thể thực hiện việc giao đất thành nhiều đợt như quy định".
Qua quá trình trao đổi với các cơ quan chức năng và cán bộ quản lý trực tiếp dự án, đại diện Tập đoàn Tuta nhận thấy hai vướng mắc chính.
Thứ nhất, mặc dù nghị định có hướng dẫn nhưng nội dung chưa đủ cụ thể, gây khó khăn trong việc thực thi.
Thứ hai, các cơ quan chức năng tỏ ra e ngại rằng việc giao đất theo nhiều đợt có thể dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá đất giữa các đợt, từ đó liên quan đến trách nhiệm của họ trong quá trình xác định tiền sử dụng đất.
Do đó, đại diện Tập đoàn Tuta đề nghị Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan ban hành hướng dẫn cụ thể hơn về việc xác định giá đất cho các dự án được giao đất theo nhiều đợt, theo tinh thần của Điều 6 trong Nghị định 71/2024. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thực hiện dự án và giảm bớt các vướng mắc hiện tại.