Chủ tịch Hoà Bình đấu giá lâu đài dát vàng làm từ thiện
Sau tổ hợp căn hộ - khách sạn Hoà Bình Green Đà Nẵng, Công ty TNHH Hòa Bình tiếp tục đầu tư dự án Hoi An Golden Sea. Dự án có tổng vốn 3.000 tỷ đồng được ông Đường ví như "Venice tại Việt Nam" bởi các tòa căn hộ, biệt thự, lâu đài... đều nổi trên mặt nước. Thậm chí có nhiều phòng ngủ, khu vui chơi, giải trí nằm hoàn toàn dưới đáy biển. Các hạng mục đang được dần hoàn thiện, trong đó ông chủ Hòa Bình chọn một lâu đài hướng biển đẹp nhất để đấu giá quốc tế nhằm lập quỹ dành cho những thân nhân chiến tranh.
- Tại sao ông chọn đấu giá một lâu đài trong 8 lâu đài tại tổ hợp nghỉ dưỡng 7 sao tại Hội An thay vì mở bán như thông thường?
- Tôi có ý định dùng một lâu đài trong tổ hợp để làm từ thiện từ trước. Do đó, không có gì phù hợp bằng cách đấu giá bởi đơn giản là sẽ được nhiều tiền hơn cách mở bán thông thường.
- Villa, biệt thự được xem là dòng sản phẩm thượng lưu, trên thị trường không nhiều chủ đầu tư xây dựng lâu đài, có gì đặc biệt ở sản phẩm lần này ông đem ra đấu giá?
- Hoi An Golden Sea là tổ hợp nghỉ dưỡng, mua sắm, giải trí 7 sao của Hòa Bình. Dự án có tổng diện tích 59.914m2m trong đó chúng tôi sử dụng 15.006m2 để xây dựng 3 tầng nổi dịch vụ thương mại, một tầng thương mại và vui chơi giải trí dưới nước, 5 tòa khách sạn căn hộ, 8 lâu đài ven biển, 10 căn hộ dưới nước. Các hạng mục đang được triển khai. Lâu đài đấu giá sẽ hoàn thiện trước tháng 12 năm nay và được bán đấu giá trước Tết dương lịch.
Nếu chọn biệt thự, villa thì tôi thấy không có gì nổi bật vì trên thị trường dự án hạng sang nào cũng có. Lâu đài tại Hoi An Golden Sea có diện tích xây dựng 550m2 thiết kế đặc biệt khi nằm trên biển, tầng một chìm dưới mặt nước là không gian giải trí, vui chơi. Hai tầng nổi dành cho nghỉ ngơi, thư giãn, sinh hoạt. Lâu đài với 8 phòng ngủ, sức chứa trên 20 người.
Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hoà Bình. |
Các họa tiết tầng thượng và mái nhà cũng do họa sỹ nổi tiếng tốn nhiều công sức tạo ra. Khi hoàn thiện đây sẽ là công trình có thể nói độc nhất hiện nay. Bề mặt tường xây dựng với độ dày 45cm, rất chắc chắn và được ốp đá tự nhiên quý hiếm. Trong lâu đài sử dụng toàn bộ nội thất, giường tủ gạch ốp đều cao cấp gần như thế giới chưa có. Chúng tôi dát vàng ở khu vực nhà tắm, lan can, một số bề mặt sứ, kim loại nhằm tạo sự sang trọng cho lâu đài.
- Mức giá khởi điểm và mức giá ông kỳ vọng trong cuộc đấu giá này là bao nhiêu?
- Mức giá khởi điểm là 10 triệu USD. Tôi nghĩ như vậy là còn thấp. Nếu tính trên tổng diện tích gần 600m2 của lâu đài thì cũng chỉ dao động khoảng 20.000 USD một m2, như vậy là chưa bằng giá bán chung cư cao cấp. Trong khi ở nước ngoài, tôi lấy ví dụ như Singapore một căn hộ chung cư cao cấp cũng rơi vào 50 triệu USD. Hay ngay tại Đà Nẵng, giá villa có căn cũng giá bán đến 20 triệu USD.
Tôi tin rằng khởi điểm thấp như vậy sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư. Nếu thuận lợi, lâu đài có thể tìm được chủ với mức giá trên 50 triệu USD.
- Những người dự kiến tham gia phiên đấu giá là ai?
- Chúng tôi nhắm tới khách hàng là người nổi tiếng, có thể là tỷ phú, diễn viên, vận động viên hoặc những tập đoàn lớn trên thế giới muốn mua làm điểm nhấn thương hiệu tại Việt Nam. Đương nhiên khách hàng nào trả giá cao nhất sẽ sở hữu lâu đài.
Vì mục đích làm từ thiện nên chúng tôi mong muốn nhận nhiều sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân nước ngoài nữa để lâu đài phát huy hết giá trị của sản phẩm.
- Vì sao ông dùng tiền làm quỹ từ thiện thay vì tái đầu tư?
- Toàn bộ số đấu giá thành công tôi dùng để thành lập một quỹ khắc phục hậu quả chiến tranh. Đối tượng được hưởng quỹ này là những nạn nhân chất độc màu da cam, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ thuộc khu vực miền Trung. Quỹ này do nhiều cá nhân, tổ chức cùng điều phối, trong đó có đại diện chính quyền thành phố Hội An và cán bộ của Hòa Bình.
Việc làm từ thiện với tôi đã thực hiện từ lâu chứ không phải đến lúc này mới làm. Năm 2007, tôi đã xây nhà cho thân nhân liệt sĩ ở Quảng Trị. Sau đó, tôi xây tiếp hai tháp chuông ở nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9.
Năm 2014, tôi khánh thành một dự án nhà cho thân nhân liệt sĩ ở Thành Cổ Quảng Trị, diện tích gần 3.000 m2, cao 3 tầng. Riêng dự án này, cho thuê kinh doanh tầng một cũng thu gần tỷ đồng mỗi tháng.
Lâu đài được ông Đường đấu giá nằm ở vị trí hướng biển đẹp nhất. Ảnh phối cảnh tổng thể dự án Hoi An Golden Sea. |
Ở Hà Nội, tôi xây dựng trung tâm thương mại V+ rộng 25.000 m2 vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng để làm nơi trưng bày và tiêu thụ sản phẩm Việt. Mấy trăm doanh nghiệp đang sử dụng mặt sàn ở đó hoàn toàn miễn phí, chỉ phải trả tiền vận hành điện nước hàng tháng.
- Trong lúc bất động sản dát vàng trên thị trường khá kén chọn người mua, tại sao ông lại chọn hướng đi này?
- Từ nhiều năm trước tôi có cơ hội đi công tác hoặc tham quan nhiều quốc gia trên thế giới. Khi ở những phòng sang trọng nhất tôi nhận ra tất cả các khách sạn đó đều có vàng. Khách sạn 6 sao hoặc 7 sao tỷ lệ vàng sử dụng trong nội thất càng cao.
Vàng là một kim loại quý và giá trị, cũng có lợi cho sức khỏe. Từ xưa đến nay người ta gọi vàng là cực phẩm, dùng trong sinh hoạt. Ví dụ như các món ăn bột vàng. Người Nhật, người Đức họ rất kỹ tính trong ăn uống nhưng lại có rượu vàng, thực phẩm vàng hay các khách sạn ở Trung Đông từ 7 sao đều trưng bày nhiều vàng.
Trên thế giới có nhiều dự án sử dụng vàng trong xây dựng rồi, nên tôi muốn Việt Nam phải làm được. Từ năm 2006 sau khi mạ vàng thành công của thang máy tại tòa nhà ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, Hòa Bình đã phát triển nhà máy mạ vàng trên các thiết bị nội thất gốm sứ, thủy tinh, kim loại. Chúng tôi làm chủ công nghệ và nguyên liệu.
Bộ phận chuyên môn của Hòa Bình kết hợp với các chuyên gia Đức và Thụy Sĩ để tạo ra công nghệ này. Các viên gạch vàng cũng như mạ vàng nội thất khá tốn kém về chi phí và thời gian. Chúng tôi đã nghiên cứu rất lâu trước khi đưa ra thị trường. Nếu dùng một viên gạch ốp ngoài bị lỗi là ảnh hưởng đến thẩm mỹ cả tòa nhà. Gạch Hòa Bình dùng là gạch vĩnh cửu, không cần bảo dưỡng. Chúng tôi mua cả bảo hiểm cho các toàn nhà của mình.
Về chi phí sản xuất, tôi ví dụ một cái bồn tắm của Nhật gần một triệu USD phủ vàng do làm số lượng ít. Nhưng Hòa Bình làm 2 dự án Hà Nội Golden Lake và Hội An Golden Sea lên đến gần 1.000 phòng. Do đó giá thành sản xuất của chúng tôi giảm, chi phí khấu hao ít đi. Đây là lý do vì sao giá thuê phòng cũng như giá bán công bố thấp thậm chí chúng tôi đang lỗ ở hai dự án này.
Nhưng Hòa Bình tính toán sau 10 năm cho thuê lại thì sẽ thu lại được tiền đầu tư. Đơn cử tại dự Hà Nội Golden Lake thu 225 USD một đêm, còn Hội An Golden Sea là 250 USD một đêm, nhà đầu tư sẽ hưởng 6% lợi nhuận. Nhà đầu tư thu được 17.000 USD cho một năm, Hòa Bình sẽ thu 35.000 USD. Hết 10 năm sẽ giao lại cho nhà đầu tư để quyết tự kinh doanh hoặc tiếp tục cho Hòa Bình thuê lại.
- Việc đầu tư cho hạng mục dát vàng hay như việc đấu giá làm từ thiện của Hòa Bình khiến nhiều người cho rằng đó là chiêu trò đánh bóng tên tuổi. Ông nghĩ gì về điều này?
- Trong kinh doanh, tôi quan niệm phải mở một con đường riêng, là những thứ chưa có, chưa ai làm. Ví dụ ở Đà Nẵng Golden Bay, từ khi vận hành tháng 11/2017, Hòa Bình chưa quảng cáo bao giờ nhưng 1.000 phòng luôn đạt công suất từ 70-85%. Du khách đến Đà Nẵng đều chụp ảnh bể bơi kỷ lục của khách sạn, hay những khu vực dát vàng và giới thiệu đến bạn bè họ, đó là quảng cáo rồi. Trên báo chí nước ngoài, tòa Vịnh vàng xuất hiện rất nhiều khi nói về du lịch Việt Nam.
Các dự án ở Hà Nội, ngoài điểm nhấn là dát vàng chúng tôi lại xây dựng với tiêu chí an toàn đặt lên hàng đầu như chống động đất cấp 7-8, tường dày 35cm, cách âm, cách nhiệt và thân thiện với môi trường. Chúng tôi không phải đơn vị có bề dày về xây dựng nhưng tôi muốn khi nhắc đến Hòa Bình phải là số một của Việt Nam trong chất lượng cũng như thẩm mỹ dự án. Tên tuổi của Hòa Bình đã được nhiều hãng thông tấn, báo giới nước ngoài đề cập.
- Kế hoạch của công ty tới đây là gì?
- Chúng tôi đang trình thành phố Đà Nẵng đề án phát triển trung tâm thương mại miễm phí thuê mặt bằng tại đây. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ khởi công ngay và xong trước quý một năm 2020. Đó là trung tâm thương mại nhằm phát triển du lịch cho Đà Nẵng bởi sẽ tiêu thụ phần lớn sản phẩm hành hóa quốc nội và miễn phí hoàn toàn cho các đơn vị thuê mặt bằng.
Tôi chọn ở thành phố biển Đà Nẵng vì hiện công ty có một số dự án tại đây. Ngoài việc phát triển du lịch, trung tâm thương mại này sẽ bổ trợ cho tổ hợp của chúng tôi.
Khách du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đến Đà Nẵng quanh năm, nhiều người nói đến Việt Nam du lịch không biết tiêu gì vì thiếu dịch vụ. Nếu mình có trung tâm thương mại này thì khách du lịch có nhiều lựa chọn và ở lại lâu hơn.
Tâm Thành