Chủ tịch HoREA: "Mong Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch"
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, HoREA đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM về việc “xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh để doanh nghiệp hội nhập hiệu quả và phát triển bền vững”.
Theo đó, HoREA đề nghị tiếp tục cải cách thể thế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch.
Năm 2019, chắc chắn cả nước thực hiện đạt và vượt tất cả 12 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, cả nước đạt được "kỳ tích" về kinh tế dù đang trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khó lường.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng đã nhận thấy có một số dấu hiệu đáng quan ngại về sự chững lại của tiến trình cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cụ thể, báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, thì chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát.
Cũng theo ông Châu, trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa và đang bị bỏ lại khá xa so với Singapore (2/190), Malaysia (15/190), Thái Lan (27/190) và Brunei (55/190).
Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (Moody’s Investors Service) công bố giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nhưng điều chỉnh triển vọng xuống tiêu cực, bắt nguồn từ nhận định vẫn tiềm ẩn rủi ro (tuy không đáng kể) của việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ. Trên cơ sở đánh giá này, Moody’s đã hạ bậc triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại Việt Nam.
Theo ông Châu, môi trường kinh doanh bất động sản hiện nay vẫn chưa minh bạch, chưa công bằng, vẫn còn “tù mù”, còn dấu hiệu “nhóm lợi ích”, hoặc kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.
Ví dụ, cùng một mặt bằng pháp lý như nhau nhưng các dự án ở TPHCM lại vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị vướng? Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, chưa đảm bảo tính công bằng.
Theo ông Châu, nguyên nhân được xác định do hệ thống pháp luật chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; Phương thức xây dựng các luật phổ biến theo kiểu “Luật khung – Luật ống” dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của Bộ, ngành…
Đặc biệt, khâu yếu nhất vẫn là công tác thực thi pháp luật, trong đó có việc quy định về các điều kiện, cơ chế của một số văn bản dưới luật; Quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm ra, bất cập; Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế và tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục.
"Trong lĩnh vực kinh tế, bao gồm lĩnh vực bất động sản, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn và yêu cầu Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, minh bạch là yêu cầu hàng đầu, có tính quyết định nhất. Có minh bạch thì mới có công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh", ông Châu nói.
Từ góc nhìn của mình, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Nhà nước, trước hết là đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Quế Sơn