Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra nguyên nhân nhà phân lô bán nền 'ế'

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông vừa ký ban hành Chỉ thị số 19 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong đó, khẳng định, thời gian qua công tác quản lý quy hoạch xây dựng , quy hoạch đô thị và phát triển đô thị đã được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện toàn tỉnh đạt 100%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng 100% (đối với các khu vực có yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu), tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng nông thôn đạt trên 90%...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị còn có một số tồn tại, hạn chế mà các cơ quan thanh kiểm tra của Trung ương đã chỉ ra. Đó là chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch ; một số quy hoạch xây dựng tầm nhìn còn hạn chế do biến động nhanh chóng của thực tiễn mà công tác quy hoạch không dự báo được hoặc dự báo không chính xác dẫn đến sự lúng túng về tổ chức triển khai thực hiện... Ngoài ra, tiến độ lập quy hoạch còn chậm do không được bố trí nguồn vốn kịp thời làm ảnh hưởng đến hiệu quả định hướng đầu tư; chất lượng quy hoạch còn thấp...

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra nguyên nhân nhà phân lô bán nền 'ế' - Ảnh 1

Khu đô thị Bắc Đầm Vạc (TP Vĩnh Yên ) hiện nhiều diện tích đất đã có chủ nhưng chưa được xây dựng

Về phát triển các dự án nhà ở, đô thị, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc nhận định vẫn thiếu sự nghiên cứu và dự báo chính xác giữa cung và cầu, sản phẩm bất động sản kém hấp dẫn, thiếu sức cạnh tranh so với các địa phương lân cận.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 79 dự án nhà ở , đô thị có tổng diện tích đất là 2.357 ha (trong đó, diện tích đất ở chiếm khoảng 1.120 ha), sau khi các dự án hoàn thiện sẽ đáp ứng được chỗ ở cho 256.000 người, nhưng đến nay tỷ lệ người dân đến xây dựng nhà ở rất thấp, phản ánh rất rõ tình trạng cung vượt cầu ở phân khúc nhà chia lô truyền thống, dẫn đến sản phẩm bất động sản tồn kho còn thừa nhiều. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở xã hội còn rất hạn chế, phân khúc bất động sản cho nhu cầu ở ngoài tỉnh như các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng còn thiếu.

Một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm bất động sản chưa có sức hấp là do thu nhập thực tế của người dân trong tỉnh thấp nên khó tiếp cận được. Ngoài ra, trong giai đoạn thúc đẩy bất động sản chưa có các giải pháp hiệu quả để thu hút di chuyển dân số cơ học, chưa có dự án quy mô lớn được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, tạo ra phân khúc sản phẩm bất động sản có chất lượng cao. Đây là mục tiêu rất quan trọng trong việc phải gia tăng dân số cơ học cho tỉnh Vĩnh Phúc đạt quy mô 1.400.000 người, đảm bảo chỉ tiêu về dân số để duy trì tồn tại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tiến độ triển khai các dự án nhà ở đô thị, thương mại trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn chậm nguy cơ gây lãng phí nguồn lực đất đai .

Xây dựng các dự án " vườn trong nhà, nhà trong công viên”

Bên cạnh những hạn chế nêu trên, những định hướng mới đã mở ra trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, trong công tác quản lý quy hoạch , phát triển đô thị nói riêng.

Để nâng cao trách nhiệm trong việc chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành trong công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị. Đồng thời, đảm bảo định hướng theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xác định công tác quy hoạch xây dựng , quy hoạch đô thị là nhiệm vụ quan trọng; quy hoạch phải đi trước một bước, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng theo Quy hoạch tỉnh; là khâu then chốt trong việc đề xuất triển khai các dự án đầu tư để phát triển đô thị; phải ưu tiên nguồn kinh phí hàng năm để tập trung hoàn thiện các cấp độ quy hoạch .

Đồng thời phải xác định quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá và có tính ổn định, lâu dài, gắn kết với nhu cầu đầu tư thị trường, nhu cầu về không gian ở, gắn kết với kế hoạch đầu tư, đầu tư công trung hạn và hàng năm, bảo đảm nguồn lực thực hiện.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch thông qua việc tăng cường kiểm soát chất lượng đơn vị tư vấn lập quy hoạch , khuyến khích việc lựa chọn tư vấn thông qua hình thức thi tuyển...

Tập trung thu hút những dự án phát triển đô thị có quy mô lớn, khai thác tốt liên kết vùng đồng bộ hạ tầng khung với thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận, có sức ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi trong và ngoài tỉnh; ưu tiên phát triển mới các dự án đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng theo hướng “vườn trong nhà, nhà trong công viên”, tạo ra các sản phẩm bất động sản mũi nhọn, có sức hấp dẫn, cạnh tranh so với các địa phương trong vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội...