"Chung cư ông Thản" có thang máy thường tê liệt nhưng giá bán vẫn tăng bằng lần
Mới đây, dư luận tiếp tục xôn xao thông tin 2/4 thang máy tại chung cư CT12A Kim Văn - Kim Lũ tiếp tục "tê liệt", hàng trăm nghìn người dân dồn vào thang máy còn lại gây ra cảnh ùn tắc, có nhiều người chia sẻ "phải mất gần tiếng mới lên tới nhà".
Theo thông tin từ Ban Quản trị tòa nhà, hiện chung cư không có quỹ bảo trì do chủ đầu tư trước đó không để lại nguồn quỹ này mà Ban Quản trị không được phép tự thu. Chính vì vậy, khi thang máy gặp trục trặc, kinh phí sửa chữa đều đến từ việc kêu gọi cư dân đóng góp. Đây không phải lần đầu thang máy chung cư này hỏng, tình trạng này đã kéo dài cả chục năm nay.
Trước thực trạng này, UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai đã ra thông báo về việc tổ chức cuộc họp vào ngày 10/1/2025, nhưng mới được lùi đến sáng 13/1.
Mặc dù liên tiếp xảy ra sự cố, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt cư dân nhưng theo khảo sát, giá căn hộ tại Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ đã rao bán tăng lên hơn 50 triệu đồng/m2, mức giá dù đã giảm nhẹ 3,4% so với đỉnh hồi tháng 10/2024 nhưng đã cao gấp gần 3 lần trước dịch Covid-19 (khoảng 18 triệu đồng/m2).
Đơn cử, một căn hộ diện tích 54 m2, 2 ngủ đang rao bán hơn 2,7 tỷ đồng (tương ứng 50,9 triệu đồng/m2). Tương tự, căn 1 ngủ cùng tòa cũng đang rao bán hơn 47 triệu đồng/m2.
Tổ hợp công trình nhà chung cư, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ gồm 4 tòa: Tòa CT11 được khởi công cuối năm 2012 và bàn giao năm 2014; tòa CT12A, CT12B, CT12C được khởi công giữa năm 2013 và bàn giao năm 2015. Tại thời điểm mở bán, giá căn hộ chỉ từ 11 - 14,5 triệu đồng/m2 tùy theo tầng. Tính tới thời điểm hiện tại, giá rao bán đã tăng từ 3,4 - gần 5 lần so với thời điểm mở bán.
Chung cư cũ miệt mài tăng giá
Thực tế, năm 2024, theo cơn sóng chung cư của toàn thị trường, không chỉ riêng các dự án mở bán mới mà các dự án chung cư cũ hay dự án nhà ở xã hội đã sử dụng tới chục năm cũng ghi nhận mức tăng giá đột biến.
Theo đơn vị nghiên cứu thị trường CBRE, tính đến quý 4/2024, giá căn hộ chung cư sơ cấp tại Hà Nội đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT). Trong năm 2024, giá căn hộ sơ cấp đã tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 12% so với quý trước, mức tăng kỷ lục tại thị trường chung cư Hà Nội.
Ở thị trường thứ cấp, mặt bằng giá bán chung cư Hà Nội đang dần đuổi kịp mức giá tại TP. HCM, đạt trung bình lần lượt 48 triệu đồng và 49 triệu đồng/m2. So với cùng kỳ năm 2023, giá căn hộ thứ cấp tại Hà Nội năm 2024 đã tăng hơn 26%. Đây là mức tăng theo năm cao nhất ghi nhận được từ trước tới nay.
Các dự án nhà ở xã hội từng được đánh giá là chiếc “phao cứu sinh” cho người dân có thu nhập trung bình, tài chính hạn hẹp. Tuy nhiên, nhiều dự án mở bán trên 5 năm nay giá đã tăng mạnh, lên gấp hơn 2 - 3 lần so với giá khởi điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nguyên nhân khiến giá chung cư cũ tăng cao là nhu cầu của người dân ngày càng nhiều. Trong khi đó, nguồn cung mới ra thị trường hầu hết đều ở phân khúc cao cấp và thiếu nhà ở giá vừa túi tiền. Còn chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, vốn, nhân công... ngày càng cao khiến giá nhà khó giảm trong ngắn hạn.
Chính điều này đã tạo ra một bức tranh tương phản trên thị trường, trong khi nhà đầu tư hưởng lợi lớn, người mua ở thực ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chốn an cư. Những con số tăng giá kỷ lục đang khiến thị trường chung cư Hà Nội trở nên sôi động nhưng cũng đầy lo ngại. Người dân có thu nhập trung bình gần như bị đẩy ra khỏi “cuộc đua”, trong khi giới đầu cơ tiếp tục hưởng lợi từ những khoảng chênh giá cao ngất ngưởng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính, chia sẻ: Khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nhà không được gấp quá 30 năm thu nhập của một công nhân. Nếu quá mức này, dấu hiệu bong bóng bất động sản xuất hiện. Tuy nhiên, ở Việt Nam, con số này đã gấp khoảng 60 năm.
"Ở là nhu cầu thiết yếu mà hiện nay người dân còn không dám nghĩ đến", TS. Nghĩa nhấn mạnh.