Chuyển nhượng dự án cho đại gia Lê Thanh Thản trái quy định, cựu lãnh đạo Công ty Coma 18 hầu tòa
Hôm nay 9-8, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Huy Lân (SN 1962, cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Coma 18); Nguyễn Xuân Phong (SN 1968, cựu phó tổng giám đốc) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Bị cáo Lê Văn Khương (SN 1955, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng - Coma) cùng hầu tòa về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tại phiên toà sáng nay, Đại diện thanh tra TP Hà Nội, chi cục thuế quận Hoàng Mai và đại diện COMA có mặt tham dự phiên tòa theo triệu tập. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng đại diện COMA 18 có đơn xin vắng mặt tại tất cả những ngày còn lại của phiên tòa.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Coma 18 do bị cáo Lân làm Tổng giám đốc có vốn điều lệ hơn 134 đồng (trong đó Nhà nước chiếm 51% do Tổng công ty Cơ khí xây dựng - Coma giữ cổ phần).
Năm 1994, Thủ tướng có quyết định giao 184 ha đất cho Công ty phát triển nhà và đô thị thuộc Bộ Xây dựng (nay là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD) làm chủ đầu tư dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm.
Đến năm 2000, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt chi tiết dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm (VP6 Linh Đàm), tỉ lệ 1/500, trong đó lô đất VP6 Linh Đàm có chức năng là tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê. Mười năm sau, Tổng công ty HUD ký hợp đồng chuyển giao hạ tầng lô đất VP6 cho Công ty Coma 18, thực hiện dự án .
Trong hợp đồng nêu rõ không được chuyển giao lô đất, chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất cho bên thứ ba trong thời gian thực hiện. UBND TP Hà Nội cũng chấp thuận đề xuất xây dựng tại lô đất này. Tuy nhiên, năm 2013, bị cáo Lê Huy Lân ký tờ trình 409 gửi Tổng công ty Coma, xin chuyển nhượng dự án trên.
Do thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhóm bị cáo Khương và các thành viên trong Hội đồng thành viên Coma đã chấp thuận cho Công ty Coma 18 được chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác kinh doanh. Sau đó, nhóm bị cáo Khương cũng chấp thuận cho Coma18 chuyển nhượng dự án Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên của đại gia Lê Thanh Thản (Tập đoàn Mường Thanh) với mức giá không dưới 12,9 tỉ đồng.
Tháng 7-2013, Công ty Coma 18 và doanh nghiệp của ông Thản ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với nội dung "công ty của ông Lê Thanh Thản góp 95% tổng mức đầu tư dự án , tương đương hơn 12,3 tỉ đồng và được hưởng 100% kết quả kinh doanh".
Cơ quan tố tụng cho rằng dự án này được doanh nghiệp của đại gia Lê Thanh Thản dựng dự án sai quy hoạch được phê duyệt, tăng từ 25 tầng lên 37 tầng (từ 138 lên 840 căn hộ, tăng 702 căn) và tăng 630 m2 đất xây dựng. Khi dự án VP6 Linh Đàm bán hết cho người dân, đưa vào hoạt động, Thanh tra TP Hà Nội ra kết luận, tạm tính tiền sử dụng đất của dự án là hơn 74,8 tỉ đồng. Tới năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ra kết luận giám định cho thấy hành vi của nhóm lãnh đạo Coma 18 giao đất cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản , gây thiệt hại hơn 64,3 tỉ đồng.
Tiếp tục điều tra, làm rõ
Đáng chú ý, cơ quan truy tố kết luận giai đoạn điều tra đại gia Lê Thanh Thản khai không thỏa thuận với bị cáo Lê Huy Lân về việc Công ty Coma 18 nhận khu đất VP6 Linh Đàm để chuyển lại cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên; bị cáo Lân chủ động đến liên hệ, xin ký hợp đồng; cá nhân ông Thản không thúc đẩy, tác động khiến Coma 18 chuyển nhượng dự án .
Do chưa có cơ sở xác định vai trò đồng phạm của ông Lê Thanh Thản , cơ quan điều tra tách tài liệu để làm rõ sau.